Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
Ung thư đại tràng phát triển ở ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng. Hiện nay ung thư đại tràng chiếm tỉ lệ khá cao trong các loại bệnh ung thư. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh ở giới trẻ.
1. Nguyên nhân bệnh ung thư đại tràng
Nguyên nhân chính gây bệnh ung thư đại tràng chưa xác định được, tuy nhiên người ta nhận thấy có nhiều yếu tố nguy cơ trong đó có thể kể đến là:
- Người bệnh bị thừa cân, béo phì, không kiểm soát được cân nặng. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người không hoặc ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
- Người bệnh có chế độ ăn uống thiếu khoa học như thường xuyên ăn đồ dầu mỡ, các thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại,…
- Người hút thuốc lá hoặc uống bia rượu thường xuyên cũng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng và một số loại ung thư khác cao hơn bình thường.
- Người bệnh có độ tuổi lớn hơn 50.
- Người bệnh có tiền sử bị viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Người có người thân trong gia đình với tiền sử bị ung thư đại tràng, trực tràng hoặc các hội chứng như đa polyp tính chất gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch.
2. Dấu hiệu ung thư đại tràng
Các dấu hiệu của ung thư đại tràng tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện. Ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng.
- Rối loạn lưu thông ruột: Đây là dấu hiệu sớm, báo động ung thư nhưng hay bị bỏ qua. Sớm nhất có thể chỉ là những thay đổi thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc đi ngoài, số lần đi ngoài từ vài lần đến hàng chục lần trong ngày. Bệnh nhân có khi bị táo bón, bị đi ngoài phân lỏng, hoặc xen kẽ cả táo bón và đi ngoài phân lỏng.
- Đi đại tiện nhầy có máu: Là triệu chứng hay gặp nhất của ung thư đại trực tràng. Đây là triệu chứng quan trọng, báo hiệu ung thư trực tràng. Bệnh nhân có thể đi ngoài ra máu đỏ tươi, hoặc lờ mờ máu cá, từng đợt hoặc kéo dài. Dấu hiệu đi ngoài ra máu có thể nhầm sang bệnh lỵ hoặc viêm đại trực tràng, trĩ.
- Đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân… là những dấu hiệu hay gặp.
- Hội chứng đại tiện lỏng hay gặp ung thư đại tràng phải trong khi hội chứng táo bón tắc ruột gặp ở đại tràng trái.
- Thay đổi khuôn phân: Phân đi đại tiện thay đổi nhão, hoặc có những rãnh, những vết trên khuôn phân được tạo ra do khối u ở trực tràng.
- Những biến chứng của u như bán tắc, tắc ruột, thủng u gây viêm phúc mạc.
3. Bệnh ung thư đại tràng có lây không?
Ung thư nói chung và ung thư đại tràng hoàn toàn không lây nhiễm tuy vậy, người có người thân trong gia đình với tiền sử bị ung thư đại tràng,... dễ mắc ung thư đại tràng hơn.
4. Cách phòng ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là bệnh phổ biến, chiếm tỷ lệ cao ở Việt Nam và trên thế giới, việc tầm soát và phát hiện sớm có vai trò vô cùng quan trọng giúp điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh từ đó giảm gánh nặng về tâm lý, kinh tế, và xã hội.
Vì vậy, nên nội soi đại tràng định kỳ 3-5 năm/lần đối với người không có yếu tố nguy cơ, 6 tháng – 1 năm/ lần đối với người có yếu tố nguy cơ (> 50 tuổi, tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mạn tính, có yếu tố di truyền trong gia đình). Cần đi khám ngay khi có các triệu chứng của bệnh.
Người có yếu tố di truyền trong gia đình nên đi khám sớm từ năm 20 tuổi. Ngoài ra, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh. Bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Chất thải tích tụ chính là nguyên nhân hình thành polyp, lâu ngày phát triển thành các tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp đào thải chất thải ra bên ngoài, làm giảm đi 40% nguy cơ bị polyp đại tràng.
Không ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Không lạm dụng bia rượu, các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
Thuốc lá được biết đến như là những "sát thủ" của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Tuy nhiên, gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
5. Cách điều trị ung thư đại tràng
Điều trị ung thư đại tràng hiện nay là điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất, điều trị đích, xạ trị… Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, giai đoạn phát hiện bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Trong đó phẫu thuật vẫn là phương pháp chủ yếu, ngoài việc cắt bỏ đoạn đại tràng có ung thư, các bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét hạch để đảm bảo lấy bỏ toàn bộ tổ chức ung thư. Có thể thực hiện phẫu thuật theo hai cách: phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
Ngày nay, với những ưu điểm vượt trội như ít đau sau mổ, sẹo mổ nhỏ, hồi phục nhanh sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện mà vẫn đạt được hiệu quả tương đương, phẫu thuật nội soi cắt đại tràng đang dần thay thế cho kỹ thuật mổ mở truyền thống.
Hiện nay, với những tổn thương đại tràng như polyp, ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, thì can thiệp qua nội soi đại tràng nhằm cắt polyp, cắt dưới niêm mạc - ESD là một trong những phương pháp được lựa chọn, bệnh nhân sẽ tránh được một ca phẫu thuật lớn và kết quả đem lại rất khả quan, gần như khỏi bệnh hoàn toàn.
BS. Lê Văn Tùng