Móng tay sần sùi do thiếu chất gì, cách nào khắc phục?
Móng tay sần sùi không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn cảnh báo cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc mắc bệnh nào đó. Để có móng tay khỏe đẹp, cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Móng tay sần sùi do đâu?
Móng tay được tạo thành từ các tế bào keratin, chất sừng chứa nhiều lưu huỳnh. Móng tay khỏe mạnh có màu hồng nhạt, phần bán nguyệt của móng có màu trắng. Toàn bộ móng bóng, phẳng, có độ dày và cứng vừa phải. Móng tay khỏe mạnh có tác dụng bảo vệ đầu các ngón tay không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Khi móng tay bị sần sùi, cảnh báo dấu hiệu thiếu một số chất sau đây:
- Thiếu vitamin C: Là chất chống oxy hóa, hỗ trợ cơ thể sản sinh collagen giúp duy trì nét đẹp làn da, mái tóc và móng tay/chân. Khi cơ thể thiếu vitamin C, không chỉ da khô, nhăn, tóc rụng mà móng tay sẽ bị mỏng hoặc sần sùi, dễ bị xước ở phần khóe tay gây khó chịu, đau.
Bổ sung vitamin C đầy đủ để ngăn ngừa tình trạng da xấu, tóc rụng, móng tay sần sùi, dễ gãy hỏng.
- Thiếu vitamin B: Vitamin B có vai trò duy trì bộ móng chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng móng bị khô, chuyển màu... Khi cơ thể thiếu vitamin B12, vitamin B7 (biotin), sẽ khiến móng tay bị sần sùi. Theo đó, vitamin B12 là một chất tham gia vào quá trình cấu tạo của móng tay. Nếu thiếu hụt vitamin B12, móng tay sẽ bị thay đổi cấu trúc, sần sùi. Biotin là dưỡng chất quan trọng giúp móng tay và tóc khỏe mạnh.
Người có nguy cơ thiếu vitamin B12, biotin là người ăn kiêng, người nghiện rượu, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh tiêu hóa... Để khắc phục tình trạng móng tay sần sùi, nên bổ sung biotin và vitamin B12 đầy đủ. Có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm như lòng đỏ trứng, gan, cá hồi, rau cải xanh, hạt óc chó, hạnh nhân, sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Thiếu vitamin A: Đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển protein - thành phần quan trọng cấu tạo nên móng, tóc... Khi cơ thể bị thiếu vitamin A sẽ khiến quá trình này bị hạn chế dẫn đến móng biến dạng, khô sần...
- Thiếu vitamin D, canxi: Canxi là thành phần quan trọng cấu tạo nên xương, răng, tóc và móng. Khi thiếu canxi sẽ khiến cho móng tay trở nên khô sần, yếu, dễ gãy.
Vitamin D sẽ giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Khi thiếu vitamin D cơ thể giảm hấp thu canxi, hệ lụy là móng tay và tóc khô yếu.
Ngoài thiếu một số vitamin và khoáng chất, móng tay sần sùi có thể cảnh báo cơ thể mắc một số bệnh lý như: Nhiễm nấm móng tay, nhiễm khuẩn, viêm bì cơ, bệnh tim mạch...
Nên làm gì khi móng tay sần sùi?
Khi móng tay bị hư tổn, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho móng như: Vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, sắt, canxi… Ngoài bổ sung các chất thiếu hụt, cần kiểm tra sức khỏe để biết rõ về nguyên nhân khiến móng tay sần sùi. Nếu nguyên nhân do bệnh lý, cần điều trị bệnh lý ổn định thì tình trạng móng sần sùi sẽ hết.
Ngoài ra, cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để sức khỏe được cải thiện. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường luyện tập để tăng trao đổi chất...
Hạn chế sơn móng tay hoặc gắn móng giả và ngừng sử dụng các hóa chất lên móng tay. Có thể sử dụng sản phẩm dưỡng móng để móng chắc khỏe, hồng hào hơn.
Khi làm việc nhà, nên đeo găng tay bảo vệ tay để móng hạn chế tiếp xúc với nước, hóa chất, giữ gìn bộ móng chắc khỏe.
CN. Quỳnh Hương