Tại sao bị tăng huyết áp nếu gặp lạnh đột ngột có nguy cơ đột quỵ?
Huyết áp là thước đo sức khoẻ của một người, nếu bị tăng huyết áp (THA) sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra cho người bệnh, đặc biệt là khi bị lạnh đột ngột do chuyển mùa như hiện nay.
Vì vậy, khi bị lạnh đột ngột người bị THA cần hết sức cẩn thận, nếu không có thể xảy ra tai biến mạch máu não đe doạ tính mạng người bệnh.
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành động mạch trong quá trình lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Sức cản của thành động mạch và lực co bóp của tim là hai yếu tố chính tạo nên huyết áp.
Chỉ số huyết áp được biểu thị qua 2 chỉ số sau: huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) khi ở mức bình thường từ 90 - 139 mm Hg; còn huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) khi ở mức bình thường là từ 60 - 89 mm Hg.
Nếu chỉ số huyết áp cao hơn mức tiêu chuẩn trên đây thì được coi là THA, ngược lại thì được gọi là huyết áp thấp.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp, các yếu tố đó có thể làm THA, đó là thói quen ăn mặn (chế độ ăn nhiều muối), tăng mỡ máu (tăng cholesterol). Nên biết là cholesterol là một chất béo có trong máu. Cơ thể cần cholesterol để tạo ra các tế bào khỏe mạnh, nhưng nếu khi chỉ số cholesterol cao (loại cholesterol xấu) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bởi vì, chỉ số cholesterol xấu cao có thể làm mỡ tích tụ thành động mạch.
Về lâu dài, lớp mỡ này tích tụ nhiều hơn gây cản trở dòng máu chảy qua động mạch. Bên cạnh đó THA còn có thể do tiền sử gia đình, tuổi tác, lối sống lười vận động, thừa cân - béo phì, hút thuốc lá, uống quá nhiều bia, rượu... là những yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ THA.
Đặc biệt thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng chuyển sang mưa làm cho nhiệt độ giảm xuống, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc đang ở ngoài không khí nóng vào phòng máy lạnh, lúc đó ngay tức thì huyết áp tăng lên, thậm chí tăng đột ngột quá mức có thể gây nên đột quỵ.
Biến chứng do tăng huyết áp
THA rất nguy hiểm nhưng lại ít có triệu chứng thể hiện, nên nhiều người không biết mình bị THA mà tình cờ do khám bệnh định kỳ hay vì một lý do nào đó phát hiện ra THA. Nên biết rằng, bệnh THA rất nguy hiểm vì có nguy cơ đưa đến những biến chứng như các biến chứng tim mạch và nhiều cơ quan khác của cơ thể.
THA lâu ngày sẽ làm tổn thương lớp nội mạc của các động mạch, đặc biệt là động mạch vành, động mạch não, động mạch thận… từ đó các phân tử cholesterol tỷ trọng thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu bám vào thành động mạch, sau đó được hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp lòng động mạch, nhất là động mạch vành.
Các mảng xơ vữa động mạch này nếu bị bong ra chúng sẽ đi đến các động mạch, nhất là động mạch nhỏ như động mạch vành tim hoặc động mạch não gây tắc nghẽn, nếu ở mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, nếu ở não sẽ gây tắc động mạch não.
THA có thể gây suy tim, bởi vì, THA lâu ngày có thể làm cơ tim phì đại gây suy giảm sự co bóp của tim, đặc biệt người bệnh bị nhồi máu cơ tim do THA sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị THA cũng sẽ dẫn đến suy tim.
THA lâu ngày cũng có thể gây nên các biến chứng về não, như xuất huyết não, bởi vì, khi THA dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ) do mạch máu não bị vỡ tạo thành cục máu đè vào tổ chức não. Nên lưu ý là ở người THA mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng nhất là trời lạnh) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.
Người bị đột quỵ não do THA có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật. Nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh như liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn.
Tai biến mạch máu não do THA có thể gây nên nhồi máu não, nhũn não, do THA làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hư mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết một vùng não hay còn gọi là nhồi máu não, nhũn não. THA cũng có thể gây nên thiếu máu não do THA làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ gây nên hội chứng rối loạn tuần hoàn não.
Đối với thận, THA cũng có thể gây các biến chứng về thận, bởi vì, THA làm tổn thương màng lọc của các tế bào thận, lúc đó người bệnh sẽ tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận. THA còn làm hẹp động mạch thận, từ đó thận tiết ra nhiều chất Renin làm cho huyết áp cao hơn và nếu bị hẹp động mạch thận lâu ngày sẽ gây nên suy thận.
Người bị THA có thể gặp biến chứng về mắt. Lý do là THA sẽ làm tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt: thành động mạch dày và cứng sẽ làm hẹp lòng mạch lại gây khó khăn trong lưu thông máu. Nếu có quá trình xơ cứng thành động mạch thì động mạch sẽ chèn ép tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm người bệnh có thể tổn thương mắt và tiến triển theo các giai đoạn. Trước hết là làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác gai thị làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Ngoài ra, người bị THA lâu ngày có thể gây các biến chứng về mạch ngoại vi như làm cho động mạch chủ phình to và có thể bóc tách, vỡ thành của động mạch chủ dẫn đến tử vong.
THA còn có thể làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, người bệnh sẽ có triệu chứng đau chân thể hiện rõ khi người bệnh đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại để nghỉ ngơi.
THA còn liên quan đến bệnh tiểu đường, có nghĩa là người bị THA có thể bị biến chứng gây bệnh tiểu đường mặc dù THA và tiểu đường là hai bệnh riêng biệt nhưng chúng có mối liên quan khá mật thiết với nhau, thường đi song hành với nhau. Đã mắc THA thì rất dễ bị tiểu đường và ngược lại. Nếu một người khi đã mắc cả hai bệnh cùng lúc thì nguy cơ biến chứng rất cao và gây khó khăn trong việc điều trị bệnh cho cả hai bệnh đó.
Tại sao bị tăng huyết áp nếu gặp lạnh đột ngột sẽ có nguy cơ đột quỵ?
Với lạnh đột ngột do thời tiết chuyển mùa hoặc do vào phòng máy lạnh khi vừa ở ngoài nhiệt độ cao rất có nguy cơ gây đột quỵ. Lý do được lý giải là khi lạnh đột ngột, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết chất catecholamine, chất này có tác dụng làm co mạch máu ngoại vi, phản ứng này của cơ thể nhằm để giữ nhiệt làm ấm cơ thể.
Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao đột ngột làm vỡ động mạch ở não gây chảy máu não (xuất huyết não), đặc biệt ở các bệnh nhân có sẵn xơ vữa động mạch, trong đó có động mạch não.
Lời khuyên của bác sĩ
Hầu hết các bệnh nhân bị THA thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước hoặc không có triệu chứng nào đặc trưng. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị THA, người mắc bệnh tiểu đường, người có mỡ máu cao...) là hết sức cần thiết và quan trọng.
Nên duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi huyết áp của mình bằng máy đo huyết áp chính xác (phải học cách đo huyết áp, nếu chủ quan là đo sai) để đảm bảo có kiểm soát tốt huyết áp và giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến huyết áp.
Đặc biệt cần lưu ý không để lạnh đột ngột (mặc ấm, ngủ ấm trong các tháng mùa lạnh), mùa lạnh nên tập thể dục, vận động cơ thể trong nhà hạn chế ra tập ngoài trời lạnh, mưa, không vào máy lạnh đột ngột nhất là khi vừa ở ngoài trời nắng nóng về.
Trong cuộc sống hàng ngày chế độ ăn cần lưu ý hạn chế tiêu thụ muối, bởi vì muối natri có thể gây tăng áp lực máu. Nên giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp.
Hàng ngày nên tăng cường thực phẩm chứa chất xơ như rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
Cần hạn chế (tốt nhất là bỏ hẳn nhất là với người đã bị THA hoặc bị đái tháo đường) các đồ uống có cồn như rượu, bia và chất kích thích (cà phê, thuốc lá).
Nên vận động cơ thể thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi lội... nhưng không được tập quá sức, nhất là đang điều trị bệnh THA.
Không nên tắm nước lạnh, không tắm vào sáng sớm, ban đêm. Vào mùa hè phòng điều hoà nên để nhiệt độ 27-28 độ. Bên cạnh đó cần có giấc ngủ tốt, không thức khuya.
Hàng tháng nên đi khám sức khoẻ định kỳ để được theo dõi huyết áp, các chỉ số liên quan như mỡ máu, đường máu, đường niệu, protein niệu…
TTƯT.PGS.TS Bùi Khắc Hậu