Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là bệnh lý viêm da mạn tính, dễ tái phát. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, đa số sẽ hết khi trẻ 2 tuổi, tuy nhiên một số bệnh nhân sẽ tiến triển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn và viêm da cơ địa ở người lớn.
Khi mắc bệnh kéo dài nhiều người lo lắng không biết viêm da cơ địa có biến chứng gì không?
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay còn gọi là viêm da cơ địa dị ứng, chàm cơ địa, viêm da atopy; là dạng tổn thương viêm da mạn tính do tình trạng mẫn cảm với các dị nguyên trong không khí.
Viêm da cơ địa có liên quan đến nồng độ globulin miễn dịch (IgE) trong máu cao và tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng loại I, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa rất phức tạp, hiện vẫn chưa biết nguyên nhân cụ thể, nhưng được cho là có liên quan đến các yếu tố di truyền, hệ thống miễn dịch và môi trường gây rối loạn khả năng bảo vệ của da.
- Viêm da cơ địa do yếu tố di truyền:
Người ta nhận thấy một số người bị viêm da cơ địa có thành viên trong gia đình cũng mắc bệnh này. Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra đã có những thay đổi trong gene chịu trách nhiệm tạo ra filaggrin – một loại protein giúp duy trì làn da khỏe mạnh.
- Do hệ thống miễn dịch:
Bình thường hệ thống miễn dịch có vai trò chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Nhưng đôi khi hệ miễn dịch bị rối loạn và hoạt động quá mức có thể gây ra tình trạng viêm trên da.
Ngoài ra, viêm da cơ địa còn do các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến cách mà cơ thể phản ứng khiến da khô và dễ bị viêm.
Biểu hiện của viêm da cơ địa
Biểu hiện của viêm da cơ địa thay đổi tùy theo tuổi và giai đoạn bệnh. Có thể là hồng ban, mụn nước tiết dịch ở giai đoạn cấp. Hồng ban, vết tích mụn nước, bong vảy, đóng mài ở giai đoạn bán cấp. Mảng da dày lichen hóa, khô da ở giai đoạn mạn tính. Thường gây ngứa làm mất ngủ dẫn đến kiệt sức và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ba giai đoạn khác nhau có thể phân biệt trên lâm sàng viêm da cơ địa ở trẻ bú mẹ, trẻ em, thiếu niên và người lớn.
Giai đoạn bú mẹ mắc viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ từ 1-3 tháng tuổi có thể mắc viêm da cơ địa biểu hiện hồng ban, mụn nước ở 2 má, ngứa nhiều dẫn đến trợt da và đóng mài. Có thể khá giống với viêm da tiết bã. Bệnh diễn tiến mạn tính, tái phát nhiều lần, có thể gặp ở quanh miệng và mũi, lớn hơn có thể thấy ở bắp chân, nếp gấp.
Giai đoạn trẻ em mắc viêm da cơ địa có biểu hiện sang thương gặp ở vùng co duỗi (khớp tay, cổ tay, mắt cá), nếp gấp cổ, lưng bàn tay, bàn chân. Sang thương mới xuất hiện hoặc đã có từ trước. Trẻ mắc bệnh sẽ gây mất sắc tố sau viêm (vảy phấn trắng Alba) có thể thấy khi hết viêm. Khoảng 60% sang thương sẽ biến mất nhưng để lại dấu hiệu khô da.
Giai đoạn thiếu niên và người lớn mắc viêm da cơ địa thường là bệnh kéo dài từ nhỏ hoặc mới khởi phát lúc trưởng thành. Viêm da cơ địa thường ở vùng co duỗi và mặt (trán, xung quanh mắt, miệng), cổ. Bệnh xuất hiện mảng da dày lichen hóa, khô da.
Bệnh viêm da cơ địa không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, khiến người bệnh gặp trở ngại tâm lý vì yếu tố thẩm mỹ. Đồng thời, mắc bệnh kéo theo gây mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh.
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Bệnh viêm da cơ địa có thể biểu hiện thành từng đợt, sau đó sẽ tự thuyên giảm tùy theo cơ địa của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân liên tục gãi nhiều trong khi bàn tay không được đảm bảo vệ sinh có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng da.
Trên thực tế, viêm da cơ địa khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy, mất ngủ, gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng ngứa ngáy liên tục kèm theo ảnh hưởng giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu; ở trẻ em có thể gây rối loạn hành vi.
Nhiều người bị viêm da cơ địa sau đó phát triển bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Hai tình trạng này có thể xảy ra trước hoặc sau viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa có thể gây ra biến chứng là nhiễm trùng da do vi khuẩn, gây ra các phản ứng viêm rầm rộ, tấy đỏ, đau, mụn nước có dịch mủ, sốt; nhiễm trùng da do virus gây tổn thương bọng nước, đau, rát, thậm chí là gây hoại tử.
Viêm da cơ địa có thể nhẹ hoặc nặng, thường bệnh nặng và có tiên lượng xấu hơn ở các đối tượng:
- Mắc bệnh sớm trước 1 tuổi.
- Tổn thương da sau khi sinh.
- Tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng.
- Mắc các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
- Bội nhiễm da và chăm sóc da kém.
Tóm lại: Viêm da cơ địa là một tình trạng mạn tính, phần lớn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiếm soát được, vì vậy người bị viêm da cơ địa cần có thói quen, lối sống phù hợp để tránh các đợt tái phát. Khi mắc, người bệnh cần theo dõi và kiên trì điều trị bệnh. Việc chăm sóc da tốt: dưỡng ẩm cho da, tắm hàng ngày bằng nước mát hoặc ấm, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không xà phòng, cồn hay chất tạo màu hay tạo mùi, đeo găng tay để bảo vệ da tay.
Có thể ngâm mình bằng nước ấm trong khoảng 10 phút, sau đó dùng khăn mềm thấm khô người (không chà xát), rồi thoa kem dưỡng ẩm. Trẻ em có thể bị bùng phát viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm (ví dụ trứng, sữa bò, đậu nành, đậu phộng, lúa mì). Căng thẳng cũng có thể gây bùng phát bệnh, vì vậy hãy thử các biện pháp giúp kiểm soát và giảm căng thẳng. Phát hiện và kiểm soát tốt các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
BS Nguyễn Thị Mai