• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống bệnh Tay-chân-miệng

Thời tiết đã vào hè, nắng nóng và mưa nhiều, tạo điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có bệnh Tay – chân - miệng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tăng mạnh vào khoảng thời gian tháng 3-5 và tháng 9-12. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc Tay - chân - miệng, trong đó có nhiều trường hợp tử vong, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây.

Theo thống kê của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta ghi nhận gần 100 trường hợp mắc Tay – chân - miệng nhập viện. Hầu hết ca bệnh diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Phạm Văn Ngọc – trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh Tay – chân - miệng do các loại virut thuộc nhóm đường ruột gây ra, trong đó hay gặp là virut coxackie A16 và enterovirut đường ruột tuyp 71 (EV71). Virut gây bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt, phân của người nhiễm bệnh, dịch vỡ ở nốt phỏng nước trên da, niêm mạc. Tất cả những người chưa từng bị bệnh Tay – chân - miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng thường hay gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Lan - xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ tâm sự: “Bé nhà mình năm nay 4 tuổi, bình thường bé nhà mình cũng hay ốm vặt nên mình chủ quan, hôm đó, cháu đi học về có bị sốt, sau đó bỏ ăn, không chịu chơi, đến hai hôm sau thấy xuất hiện các đốm đỏ ở lòng bàn tay, thấy vậy mình cho cháu đến viện khám, thì được bác sĩ kết luận là bị mắc Tay – chân - miệng. May mắn là bé nhà mình chỉ ở thể nhẹ nên không đáng lo ngại”.

Bệnh Tay – chân - miệng thường có các biểu hiện như: Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; 01 hoặc 02 ngày sau khi bị sốt, xuất hiện các đốm đỏ như phổng rộp và sau đó trở thành vết loét (vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng, niêm mạc má); phát ban trên da, thường  nằm trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên mông;... Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não); biến chứng tim mạch hô hấp (Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch).

Hiện bệnh Tay chân - miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất theo bác sĩ Ngọc khuyến cáo là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Mọi người cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, khi ăn uống, sau khi sử dụng nhà vệ sinh; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, khi trẻ bị bệnh không nên cho trẻ đi học hoặc đến nơi đông người; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?