• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc cúm B cần đưa đến viện ngay

Cúm B là một loại cúm mùa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc cúm B phần lớn là nhẹ và tự khỏi, chủ yếu điều trị, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây cần đưa trẻ đến viện ngay.

Cúm B lây truyền qua đường nào?

  • Cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
  • Do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ.

Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1 ngày đến 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn.

Những dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc cúm B cần đưa đến viện ngay- Ảnh 1.

Cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ. Ảnh minh họa.

Triệu chứng của cúm B

Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của cúm B bao gồm:

  • Sốt
  • Đau rát họng
  • Ho khan
  • Đau đầu
  • Đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức.

Trẻ em bị cúm B cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.

Biến chứng có thể gặp khi mắc cúm B

Phần lớn bệnh cúm B nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như:

  • Viêm cơ tim
  • Viêm não
  • Viêm cơ tiêu cơ vân
  • Suy đa cơ quan (trường hợp này rất hiếm).

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc cúm B tại nhà

Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm B nên phần lớn bệnh nhân cúm B tự hồi phục.

Khi trẻ bị cúm B được chăm sóc tại nhà cần lưu ý:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà với môi trường sạch sẽ, thoáng mát thông gió.
  • Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C
  • Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn mềm, cho uống thêm nhiều dịch (không dùng các loại nước ngọt công nghiệp): nước quả, dung dịch orezol…
  • Nếu trẻ có ho dùng các thuốc ho thảo dược
  • Thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi bằng bấc bông tự cuốn…

Những dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc cúm B cần đưa đến viện ngay- Ảnh 2.

Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp của cúm B. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc cúm B cần đưa đến viện

Trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu sau thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:

  • Trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm.
  • Trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp.
  • Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao).
  • Trẻ không ăn, uống.
  • Trẻ có biểu hiện mất nước: môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít.
  • Thay đổi ý thức: trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật…
  • Trẻ lớn thấy kêu đau bụng, đau ngực, nôn nhiều..
  • Gia đình cảm thấy lo lắng bất an về trẻ.
  • Trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng (Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc trẻ mắc bệnh mạn tính).

BS Hương Giang


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?