• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và có khuynh hướng sớm hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây.

1. Nguyên nhân dậy thì sớm

Dậy thì sớm ở trẻ được chia làm 2 nhóm nguyên nhân: Dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.

  • Dậy thì sớm trung ương, đặc biệt ở trẻ gái thường không có nguyên nhân. Nguyên nhân ít gặp hơn do u não, chấn thương, di chứng não do viêm não, màng não hay bất thường não bẩm sinh.
  • Dậy thì sớm ngoại biên có thể do khối u ở buồng trứng, tinh hoàn tiết ra estrogen hoặc testosteron; các bệnh lý tại tuyến thượng thận, tiếp xúc với estrogen hay testosteron bên ngoài như các loại kem hoặc thuốc mỡ.
  • Ngoài ra, ở trẻ trai còn có một số nguyên nhân khác như: U tế bào mầm tiết beta-HCG, dậy thì sớm ở trẻ trai do yếu tố gia đình (một bệnh lý đột biến gen).

Yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm là gì?

  • Giới tính: Trẻ gái nhiều hơn trẻ trai.
  • Chủng tộc: Tuổi khởi phát sớm ở người gốc Phi là sớm nhất.
  • Gia đình: Gene, một số gene được chứng minh là nguyên nhân gây dậy thì sớm: MKRN3.
  • Dinh dưỡng: Trẻ bị béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn trẻ khác.
Dậy thì sớm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến.

2. Triệu chứng của dậy thì sớm

  • Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
  • Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 - 11 tuổi, ở nam là 11,5 – 12 tuổi.
Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần. Thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.

Trên thực tế dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình.

Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình...

Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.

3. Dậy thì sớm có lây không?

Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu và dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai)… Dậy thì sớm không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa dậy thì sớm

Một vài yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm như giới tính và chủng tộc thì không thể tránh khỏi. Nhưng có một số giải pháp có thể làm giảm dậy thì sớm ở trẻ gồm:

- Giữ trẻ tránh xa các nguồn estrogen và testosteron từ bên ngoài, như các đơn thuốc dành cho người lớn.

- Khuyến khích trẻ duy trì cân nặng phù hợp, khỏe mạnh. Tạo thói quen vận động thể thao cho trẻ 30 phút/ngày, điều này không chỉ giúp trẻ cải thiện thể lực, giải phóng năng lượng mà còn hỗ trợ phát triển tầm vóc và sức khỏe xương.

- Cho đến nay người ta vẫn chưa chứng minh được mối liên quan giữa việc ăn uống một loại thức ăn nhất định nào đó có liên quan đến dậy thì sớm. Tuy nhiên, có mối liên quan giữa béo phì và dậy thì sớm. Những trẻ thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm hơn. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và chế độ ăn uống phù hợp để tránh tình trạng béo phì.

- Tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ… Không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán chứa nhiều chất béo... vì sẽ khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc.

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Điều trị dậy thì sớm là vô cùng quan trọng vì sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ.

5. Cách điều trị dậy thì sớm

Điều trị dậy thì sớm là vô cùng quan trọng, vì sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.

Trẻ gái nếu dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán, trong khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường, vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.

Tùy từng nguyên nhân và trẻ dậy thì sớm mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.

  • Đối với dậy thì sớm trung ương: Hợp chất tương tự như hormone GnRH là liệu pháp điều trị chuẩn hiện nay, tiêm Progestin, phẫu thuật và xạ trị do khối u ở não.
  • Đối với dậy thì sớm ngoại biên: Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, có thể phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn.

Trẻ sẽ được theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Điều trị thường xuyên và chính xác theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị của trẻ.

Việc điều trị sẽ dừng lại khi trẻ được 10 - 11 tuổi, hoặc sớm hơn tùy từng trẻ. Khi dừng điều trị, hormone sinh dục lại được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu, kinh nguyệt bắt đầu hoặc có trở lại sau 12 đến 18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái, trẻ trai vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.

BSCKII Hoàng Ngọc Quý


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?