Đau lưng khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bất kỳ ai cũng có thể gặp cơn đau lưng, tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan vì đau lưng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.
Đau lưng là bệnh gì?
Bất kể lứa tuổi, đối tượng nào đều có thể gặp những cơn đau lưng. Nguyên nhân gây ra đau lưng có thể do nhóm bệnh lý tại cột sống và do các nguyên nhân khác.
Nhóm bệnh lý tại cột sống gây đau lưng bao gồm:
- Viêm đốt sống
- Thoái hóa
- Gù vẹo cột sống hoặc hẹp cột sống
- Cơn đau lưng cấp do nhóm cơ quanh cột sống bị co cứng hoặc giãn dây chằng cột sống…
Một số trường hợp gây đau lưng có thể gặp do cân nặng hoặc thay đổi nội tiết tố ở nữ. Với phụ nữ, cơn đau lưng có thể xảy ra trong quá trình mang thai hoặc ở người thừa cân, béo phì sẽ gây ra tình trạng lưng phải chịu nhiều áp lực.
Đau lưng cũng có thể gặp ở những người làm việc trong môi trường phải mang vác nặng, ngồi sai tư thế trong thời gian dài, ngồi lâu…
Đau lưng khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nhiều người thường chủ quan với các cơn đau lưng và để cho tình trạng đau lưng tự hết. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám bác sĩ, tránh để tình trạng cơn đau kéo dài 5-7 ngày mới đi khám. Nhất là với nam giới trẻ tuổi, khi xuất hiện cơn đau lưng cần thăm khám để tìm nguyên nhân và điều trị. Bởi cơn đau lưng có thể khiến các nhóm cơ ở lưng và bụng mất cân bằng từ đó chèn ép rễ thần kinh gây ra các cơn đau, co cứng cơ. Nếu không điều trị kịp thời hoặc tình trạng trên kéo dài có thể khiến yếu/teo cơ, tê bì thậm chí là đại, tiểu tiện không kiểm soát. Lúc này, người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật.
Nếu có các dấu hiệu sau, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám:
- Cơn đau có dấu hiệu lan dọc theo cột sống, xuống vùng mông, chân đến các ngón chân.
- Cơn đau xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau, đau tăng khi vận động gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày.
- Cơn đau xuất hiện ở vùng cột sống thắt lưng.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột, có thể là cơn đau cấp tính hoặc mạn tính.
Đau lưng có chữa được không?
Đau lưng có tái phát không? Một số trường hợp đau lưng do thoát vị đĩa đệm gây ra, bệnh nhân cần thăm khám và tìm ra liệu trình phù hợp giúp giảm áp lực lên đĩa đệm, giảm chèn ép lên rễ thần kinh.
Trong quá trình điều trị đau lưng, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ không bỏ giữa chừng vì có thể gây ra cơn đau lưng mạn tính. Đặc biệt, sau khi điều trị đau lưng, người bệnh cần tiếp tục thực hiện các bài tập duy trì cân bằng cho nhóm cơ vùng lưng, bụng hàng ngày. Đây là các nhóm cơ giúp hạn chế cơn đau lưng tái phát.
Việc chữa đau lưng phụ thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh. Chủ yếu, người bệnh sẽ áp dụng các phương pháp như:
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
- Sử dụng thuốc giảm đau
- Vận động đúng tư thế, điều chỉnh hoạt động
- Dùng vật lý trị liệu để giãn cơ, giảm đau tại chỗ
- Tập các bài tập phục hồi chức năng để tăng cường cơ bụng, cơ lưng
Trong một số trường hợp nặng, các bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật.
Tình trạng đau lưng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây ra cơn đau mạn tính. Lâu ngày, cơn đau có thể gây teo cơ 2 chân, tê bì gây mất cảm giác ở lưng, mông và 2 chân. Một số trường hợp có thể gây rối loạn đường ruột, đường tiểu tiện. Rất nhiều trường hợp đến thăm khám muộn mặc dù được điều trị tích cực nhưng không thể hồi phục hoàn toàn.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức