• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột quỵ não đang trẻ hoá, có phòng chống cách nào hiệu quả?

Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thời gian qua số lượng bệnh nhân trẻ đến cấp cứu, điều trị tăng cao. Theo các bác sĩ, lối sống thiếu khoa học đang là một trong nhiều nguyên nhân chính khiến căn bệnh đột quỵ tấn công những người trẻ.

BS CKII.Lê Quang Toàn thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Bệnh nhân nam (31 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An), sáng sớm khi đi đến cơ quan thì đột ngột bị gục ngã tại nhà gửi xe. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu bệnh viện đa khoa Nghệ An trong tình trạng ý thức ngủ gà, liệt nửa người trái hoàn toàn.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân được khám, hội chẩn và chẩn đoán bị nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch cảnh trong - não giữa bên phải, lóc tách động mạch trong phải đoạn gốc (bắt đầu từ đoạn gốc động mạch cảnh trong).

Đột quỵ não có xu hướng trẻ hoá- Ảnh 1.

BSCKII.Lê Quang Toàn thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Tại đây, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học và đặt Stent động mạch cảnh gốc. Thời gian can thiệp khoảng 30 phút cho kết quả tái thông hoàn toàn TICI3. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh và cử động khá tốt nửa người trái. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo bình thường, liệt được hồi phục hoàn toàn và được ra viện về nhà, tiếp tục công việc hàng ngày.

Đó là một trong số nhiều trường hợp bị đột quỵ đang được Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, tiếp nhận điều trị thời gian qua. Theo Bác sĩ CKII Lê Quang Toàn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đến nay đột quỵ não vẫn là một vấn đề thời sự cấp thiết vì lẽ số lượng các bệnh nhân đột quỵ não ngày một tăng, tỷ lệ tử vong cao. Trên thế giới, tử vong do đột quỵ não đứng hàng thứ hai sau bệnh lý tim mạch.

Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội… do chi phí điều trị quá lớn. Việc đầu tư thời gian, tiền của cũng như đòi hỏi về kỹ thuật y học cao, khả năng hồi phục thấp khiến người bệnh mất khả năng lao động và còn phải có người chăm sóc thường xuyên…

Đột quỵ não có xu hướng trẻ hoá- Ảnh 2.

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thực hiện can thiệp mạch cho bệnh nhân.

Ngày 2/1, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, số bệnh nhân đột quỵ có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Trong năm 2023, có 4.875 bệnh nhân đột quỵ vào trung tâm cấp cứu, điều trị. Điều đáng lo ngại là chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, có 170 bệnh nhân đột quỵ nhập viện điều trị, trong đó người dưới 45 tuổi chiếm 7.8 % bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não.

"Thời gian qua, số lượng bệnh nhân đột quỵ có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là nhóm bệnh nhân trẻ đột quỵ ngày càng nhiều (trước đây độ tuổi đột quỵ thường trên 65 tuổi), họ không chỉ mất đi tương lai mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nhiều người trẻ hiện vẫn chưa quan tâm phòng bệnh đúng mức, do lối sống thiếu khoa học, sống buông thả, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... và chưa nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ để đi khám và điều trị kịp thời" - BS CKII Lê Quang Toàn cho biết.

Cần xử trí sớm và đúng cách

Cũng theo BS CKII Lê Quang Toàn, đột quỵ não là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể dự phòng được khi chúng ta lưu tâm đến các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não. "Người bệnh thường chưa phát hiện các bệnh lý nền trước đó, đột ngột xuất hiện các triệu chứng như: méo miệng, yếu tay và chân một bên, nói khó, khó phát âm, khó diễn đạt lời nói, rối loạn ý thức hoặc giảm ý thức, đột ngột đau đầu dữ dội, rối loạn thăng bằng, đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị trường một vùng… Khi phát hiện các triệu chứng trên hãy đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất có khả năng điều trị đặc hiệu trong những giờ sớm nhất mà không để chờ đợi ở nhà..." - BSCKII.Lê Quang Toàn nói.

Đột quỵ não có xu hướng trẻ hoá- Ảnh 3.

Lóc tách gốc động mạch cảnh trong gây huyết khối

Các dấu hiệu của đột quỵ não có thể nhận thấy như, đột ngột tê hay yếu mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể, đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói, đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên, đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác và đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân…

Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.

Khi phát hiện các dấu hiệu, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu), hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.

BSCKII.Lê Quang Toàn– Giám đốc Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?