• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu hiệu chuyển nặng của viêm tiểu phế quản ở trẻ

Viêm tiểu phế quản thường do virus, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh dễ bị tái đi tái lại, dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi virus tấn công tiểu phế quản, dẫn đến sưng viêm và tăng sản xuất chất nhầy, làm cản trở luồng không khí vào và ra khỏi phổi.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV), một loại virus phổ biến ảnh hưởng đến hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi và thường bùng phát vào mùa đông. Bên cạnh RSV, các loại virus khác như cúm và cảm lạnh thông thường cũng có thể gây ra viêm tiểu phế quản. Trẻ sơ sinh dễ bị tái nhiễm RSV do có nhiều chủng khác nhau của virus này.

Theo thống kê tại Mỹ có gần 120.000 trẻ nhập viện/năm. Việt Nam có nhiều thống kê khác nhau, trong đó tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 6000 trẻ/năm, 45% - 50% trẻ phải nhập viện. Bệnh thường mắc vào mùa đông tại miền Bắc (tháng 10, 11,12) và miền Nam vào mùa mưa (tháng 7,8).

Biểu hiện của viêm tiểu phế quản

Bệnh bắt đầu như cảm lạnh, các triệu chứng đầu tiên mà con bạn có thể có bao gồm ho nhẹ, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Sau một hoặc hai ngày, cơn ho của trẻ có thể nặng hơn và trẻ bắt đầu gặp một số vấn đề về hô hấp. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Thở nhanh.
  • Hơi thở ồn ào, nghe có vẻ khò khè.
  • Thở khó khăn – có thể thấy xương sườn hoặc da dưới cổ hóp vào hoặc lỗ mũi phập phồng khi thở; trẻ nhỏ có thể lắc đầu khi thở.
  • Khó chịu và sốt.
  • Khó ăn hoặc uống.

Dấu hiệu chuyển nặng của viêm tiểu phế quản ở trẻ- Ảnh 2.

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi virus tấn công tiểu phế quản. Ảnh minh hoạ.

Thông thường trẻ sẽ bớt khò khè, khó thở sau khoảng 5 - 7 ngày. Trẻ thở trở lại bình thường, ho giảm dần rồi khỏi hẳn trong khoảng 10 - 14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.

Biến chứng thường gặp của bệnh là: Suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi (do tắc đờm), viêm tai giữa.

Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ kéo dài hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng nhiều hơn trong các trường hợp sau: Trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ có tiền sử sinh non – nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim – phổi, trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Các dấu hiệu nặng của bệnh viêm tiểu phế quản bao gồm: Trẻ sốt cao khó hạ, quấy khóc, bứt rứt, thở nhanh, mệt, khó thở, thở co lõm ngực hoặc phập phồng cánh mũi. Da tím tái. Trẻ bỏ bú. Nôn ói nhiều, không uống được nhiều nước… Khi thấy các biểu hiện như trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản

Khi trẻ có biểu hiện viêm tiểu phế quản, cha mẹ cần đưa tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Trẻ được dùng thuốc theo đơn của bác sĩ bao gồm chủ yếu là các thuốc long đờm, ăn uống đầy đủ, bù dịch theo hướng dẫn và tái khám theo hẹn.

Tại nhà, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của các bác sĩ, cha mẹ cần chú ý đảm bảo chức năng hô hấp và hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên theo chỉ định của bác sĩ.

Cần nới rộng quần áo và cho trẻ nằm phòng thoáng, yên tĩnh. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý. 

Đối với chế độ dinh dưỡng: Với trẻ còn bú mẹ thì nên tăng cường các bữa bú. Trường hợp những trẻ đã ăn dặm, thức ăn nên được chế biến loãng hơn, uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo... để làm loãng dịch nhầy đờm đường thở.

Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc làm thông thoáng đường thở trước khi ăn là cần thiết. Nên sử dụng nước muối sinh lý, sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi một lúc để nước mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi. 

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản

Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản bằng cách rửa tay của bạn và tay của trẻ thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn. Dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Cho trẻ đeo khẩu trang (nếu được).

Không dùng chung ly, cốc hoặc đồ dùng cá nhân, làm sạch những thứ được chạm vào nhiều, chẳng hạn như bàn ghế, đồ chơi, bồn rửa, vòi nước, tay nắm cửa, điện thoại, điều khiển từ xa và công tắc đèn…

Cần chú ý cho trẻ tránh xa những người bị bệnh hô hấp. Đảm bảo rằng trẻ được tiêm tất cả các loại vaccine được khuyến nghị, bao gồm cả vaccine cúm.

BS. Trần Anh Tuấn


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?