• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến chứng của cong vẹo cột sống ở trẻ em

Hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Đáng chú ý là số trẻ em bị cong vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số.

Có đến 80-85% trường hợp bị cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số do bị bệnh bẩm sinh hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh – cơ. Thực tế cho thấy phần lớn trường hợp vẹo cột sống ở trẻ em xảy ra bởi thói quen sinh hoạt thường ngày của trẻ, chẳng hạn như trẻ em mang ba lô, cặp sách quá nặng khi đến trường. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cột sống phát triển lệch hẳn về một bên, dẫn đến cong vẹo.

Ngồi học sai tư thế ở trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống. Theo nghiên cứu thì tư thế ngồi học không đúng là nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ em trong độ tuổi học đường phổ biến nhất.

Một vài tư thế ngồi học không đúng mà các trẻ thường mắc phải có thể gồm:

  • Trẻ thường cúi mặt sát bàn khi viết hoặc đọc sách.
  • Trẻ thường tì ngực vào cạnh bàn hay thậm chí là nằm ra bàn trong lúc viết, học bài.
  • Khoảng cách từ sách, vở đến mắt của trẻ quá xa.
  • Vừa viết bài vừa dùng tay chống một bên đầu.

Nếu trẻ duy trì các tư thế trên trong thời gian dài, cột sống có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề và dần dần mất đi đường cong sinh lý.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống

Khi bị vẹo cột sống, người bệnh sẽ có các dấu hiệu bất thường như sau:

  • Gai đốt sống không thẳng hàng.
  • Dốc hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao.
  • Phần xương bả vai nhô ra bất thường.
  • Khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau.
  • Tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp, rộng không giống nhau.
  • Khi cột sống bị xoáy vặn khiến xương sườn lồi lên, thăn lưng mất cân đối.
  • Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.

Khi tình trạng cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác kèm theo như:

  • Đau lưng.
  • Không có khả năng đứng thẳng.
  • Chân bị đau, tê hoặc yếu đi đáng kể.
  • Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang.

Vì vậy, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu cong vẹo cột sống như kể ở trên, cha mẹ cần nghĩ đến việc con bị cong vẹo cột sống và đưa đi khám ngay.

Biến chứng của cong vẹo cột sống ở trẻ em- Ảnh 2.

Cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em.

Biến chứng của cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.

- Thay đổi hình dáng cơ thể: Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Khi thay đổi hình dáng gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ.

- Tổn thương phổi và tim: Trong trường hợp vẹo cột sống nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim, làm cho trẻ khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Biến dạng khung chậu ở trẻ em nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này.

- Vấn đề ở lưng: Bệnh nhân vẹo cột sống bị ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Trẻ thường bị đau lưng mạn tính nhiều hơn người bình thường.

Để phòng tránh vẹo cột sống ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý gì?

Ngoại trừ trường hợp vẹo cột sống bẩm sinh không thể phòng ngừa, cha mẹ có thể bảo vệ trẻ nhỏ trước nguy cơ cột sống bị cong vẹo bằng nhiều biện pháp đơn giản, ví dụ như:

Hướng dẫn trẻ thực hiện các tư thế đúng khi ngồi học, vận động, không mang cặp sách quá nặng (nên dùng cặp có dây đeo 2 bên thay vì chỉ có 1 dây).

Trên thực tế bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách các em học sinh mang hàng ngày có thể là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh.

Để đảm bảo tư thế ngồi học đúng, nhà trường và gia đình cần trang bị bộ bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể học sinh. Đặc biệt ngay từ khi mới đi học (mẫu giáo, tiểu học), thầy cô giáo, gia đình cần nhắc nhở để tạo thói quen ngồi đúng tư thế cho học sinh.

Khi ngồi thì hai bàn chân cần được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75 - 105 độ), nên để cạnh trước của mặt ghế ăn sâu vào cạnh sau mặt bàn 4 - 6cm, lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn.

Nếu học sinh không có thói quen ngồi đúng tư thế từ khi mới đi học thì sau này sẽ rất khó sửa. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra tình trạng cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt chế độ ăn giàu protein, vitamin và chất khoáng, giàu canxi trong các giai đoạn trẻ phát triển nhanh như giai đoạn tiền dậy thì.

Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rèn luyện thể chất để nâng cao thể trạng vốn có.

Mặt khác, cha mẹ cũng cần chú trọng việc thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Điều này có thể giúp phát hiện sớm tình trạng cột sống biến dạng bất thường ở trẻ, từ đó tạo điều kiện cho quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn.

BS. Nguyễn Văn Dũng


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?