• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa cuối xuân, sang hè, độ ẩm không khí cao… là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa, ngoài nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Trẻ đang được điều trị tại BVĐK Hưng Hà

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ đầu năm đến ngày 15/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.375 trường hợp mắc cúm; 6 trường hợp mắc quai bị; 44 trường hợp mắc thủy đậu; 11 trường hợp mắc tay - chân - miệng; 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 581 trương hợp mắc tiêu chảy; 61 trường hợp mắc Covid-19… Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời, do đó không có bệnh nhân nặng, không có ca tử vong. Những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan được xử lý, cách ly nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. 

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Đồng, Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết giao mùa, ấm, độ ẩm không khí cao, ít ánh nắng, nền nhiệt có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm… khiến sức đề kháng của con người, nhất là trẻ em, người cao tuổi và người có nhiều bệnh nền giảm sút; một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng và lây lan mạnh, rất dễ bùng phát dịch như: sởi, cúm các chủng, tay - chân - miệng, quai bị, tiêu chảy… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị liên quan, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư hóa chất, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường phối hợp trong công tác điều tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các yếu tố nguy cơ, nhất là các bệnh dịch thường gặp trong thời điểm giao mùa. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến các khu dân cư, trường học… trên địa bàn; chuẩn bị phương tiện, thuốc, vật tư, hoá chất sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tiếp tục duy trì nghiêm túc việc tiêm phòng cho trẻ, rà soát các trường hợp chưa được tiêm phòng đầy đủ, thông báo, đôn đốc gia đình cho trẻ đến tiêm, tiến hành tiêm bổ sung sớm…

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, vào thời điểm giao mùa, số trẻ đến khám và nhập viện tăng, trong đó chủ yếu là trẻ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp như: viêm họng, phế quản, tiểu phế quản, phổi... Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 100 đến 150 bệnh nhi đến khám bệnh; thường xuyên có từ 200 đến 240 bệnh nhi điều trị nội trú. 

Bác sĩ Lê Anh Huy, Phó trưởng Khoa Nội nhi 1, Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên cho biết: Đối với trẻ dưới sáu tuổi, hệ miễn dịch của trẻ yếu, khó thích nghi với biến đổi của môi trường nên dễ nhiễm bệnh khi giao mùa. Để phòng, chống các bệnh thường gặp vào lúc giao mùa, phụ huynh cần giữ gìn nhà cửa thông thoáng, khô ráo, giữ vệ sinh vật dụng cá nhân, đồ chơi của trẻ, không để bị ẩm mốc, tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ... Nâng cao sức đề kháng cho trẻ, chế độ dinh dưỡng phải bảo đảm, vệ sinh răng miệng, mũi, họng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến những nơi đông người...

Chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (Kim Động) hiện có con 4 tháng tuổi đang điều trị cúm cho biết: Mấy ngày trước tôi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, thở khò khè… nên đưa con đến bệnh viện khám, con tôi được bác sĩ chẩn đoán bị mắc cúm A, phải nhập viện điều trị nội trú.

Dự báo từ nay đến khoảng giữa tháng 4, nồm ẩm sẽ là hình thái thời tiết chủ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, nguy cơ gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính về đường hô hấp… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Đồng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân; giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thông thoáng; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không để côn trùng đốt; tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin; tăng sức đề kháng bằng cách ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục thể thao đều đặn… Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?