Chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. Hiện có 2 tuýp liên cầu lợn: Tuýp I, hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Tuýp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. S.suis tuýp II thường gây bệnh cho người.
Bệnh Liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Người mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng mầu thâm đen. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời người bệnh sẽ nặng hơn kèm các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong. Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Thời tiết miền bắc hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang đối với những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
5. Khi phát hiện bản thân có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm liên cầu lợn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hồng Thắm TH