Hưng Yên nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống bệnh lao, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Theo số liệu thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, hằng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Báo cáo của WHO năm 2020 cho biết, Việt Nam có hơn 172.000 trường hợp mắc bệnh và 10.400 người đã tử vong vì lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Và bệnh lao vẫn bị coi "sát thủ thầm lặng" và là gánh nặng rất lớn khi có tỉ lệ tử vong cao, thậm chí con số này cao gấp đôi tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông.
Những năm vừa qua, thông qua các hoạt động phòng chống Covid-19, người dân đã có ý thức hơn về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hưng Yên nói riêng thực hiện mục tiêu từng bước chấm dứt bệnh lao. Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 trên toàn cầu là: “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”, Việt Nam chọn chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 là: “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương. Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh lao của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới phòng, chống bệnh lao được duy trì từ tỉnh đến huyện đến xã. Các hoạt động phòng chống bệnh lao được triển khai đồng đều và có hiệu quả. Hoạt động điều trị lao tiềm ẩn được triển khai, tiếp tục duy trì các hoạt động về lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV... Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi, năm 2022, Hưng Yên đã phát hiện và thu nhận điều trị 784 bệnh nhân lao các thể, đạt 72,7% kế hoạch năm; Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao các thể loại là 95,55%; Tỷ lệ điều trị thành công tổng số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học là 96,4% và xét nghiệm đờm cho 8316/1273430 người, đạt tỷ lệ 0,7% dân số/ năm; Phát hiện được 406 bệnh nhân lao phổi AFB(+) có nguồn lây cơ bản trong cộng đồng; Chỉ định xét nghiệm GenXpertcho 860 bệnh nhân nghi lao kháng thuốc, phát hiện 180 bệnh nhân (+) không kháng Rifampicin; khám sàng lọc được 391 trẻ tiếp xúc, tư vấn đưa vào điều trị dự phòng 80 trẻ, 04 Số trẻ được điều trị lao; Xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao đạt tỷ lệ 96,52% trước khi điều trị; triển khai khám sàng lọc gần 7.500 trường hợp nghi lao tại 66 xã của 04 huyện: Thành Phố Hưng Yên, Khoái Châu, Mỹ Hào và Văn Giang;…
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về công tác phòng chống lao cũng được đẩy mạnh, ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế về việc phát hiện và chẩn đoán lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV, lao tiềm ẩn, quản lý bệnh lao cho cán bộ y tế lao xã, phường; bệnh viện Phổi còn tiến hành phát hơn 20.000 tờ rơi về: Điều trị bệnh lao, truyền thông về bệnh lao và bệnh COPD; gần 200 băn rôn, khẩu hiệu; phát thông điệp về phòng chống bệnh lao tại cộng đồng,…
trên hệ thống truyền thanh của các xã/phường/thị trấn.
Ông Đặng Tiến Quân - Phó giám đốc bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết: Khó khăn chúng tôi phải đối mặt đó là bệnh viện phải tự chủ đến 70% về tài chính, trong khi đó không có thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, người bệnh phụ thuộc vào tuyến dưới chuyển lên, cộng với dịch bệnh Covid-19 số người bệnh đến khám và vào điều trị thấp ảnh hưởng đến các nguồn thu của bệnh viện, gây khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị để nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, còn sự kỳ thị của người dân đối với bệnh lao; cán bộ làm công tác phòng chống lao tuyến huyện, xã luôn thay đổi hoặc còn phải kiêm nhiệm nhiều chương trình đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng...
Nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Bệnh viện Phổi tỉnh Hưng Yên đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân chủ động tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám sàng lọc, giúp phát hiện bệnh kịp thời để điều trị khỏi hoàn toàn, đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.