Cần làm gì khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi?
Hắt hơi sổ mũi là vấn đề thường gặp ở trẻ, đây là triệu chứng hay gặp khi thay đổi thời tiết. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến viêm họng, viêm phế quản… Vậy khi trẻ bị hắt hơi, sổ mũi cần phải làm gì?
Trẻ bị sổ mũi hắt hơi do đâu?
Mũi họng là cửa ngõ của hệ hô hấp, bình thường hốc mũi được lót bởi một lớp niêm mạc, bao phủ bằng lớp thảm nhầy có chức năng giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn, bảo vệ mũi xoang. Khi lớp biểu mô trong hốc mũi bị kích thích do thời tiết (thay đổi nhiệt độ đột ngột), hóa chất, dị vật, tình trạng viêm nhiễm, các khối u... sẽ khiến các tuyến chế tiết nằm trong lớp biểu mô gia tăng sản xuất dịch, gây hiện tượng chảy nước mũi.
Khi chảy nước mũi khiến trẻ khó chịu vì giảm lượng không khí lưu thông trong mũi. Hiện tượng này có thể tự hết nhưng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như viêm xoang, viêm họng, viêm tắc vòi tai, viêm thanh - khí - phế quản...
Bên cạnh đó, niêm mạc mũi là nơi cư trú của nhiều vi khuẩn, virus, khi gặp lạnh hoặc điều kiện thuận lợi sẽ tăng sinh mạnh mẽ, gây viêm mũi - họng. Khi trẻ bị cảm lạnh sẽ bắt đầu bằng triệu chứng nhẹ gồm sổ mũi hắt hơi. Sau vài ngày nếu không được điều trị đúng cách, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn ho nhiều, mệt mỏi, khó chịu, có thể dẫn tới viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản... gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là ở mũi họng bởi lúc này sức đề kháng yếu.
Xử trí khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi
Nếu trẻ bị hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi trong thì nguyên nhân chính là do virus. Trong một số trường hợp trẻ có thể bị chảy mũi xanh, đặc thì có thể do bội nhiễm vi khuẩn. Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả và xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao trên 38,5 độ C, quấy khóc, bỏ chơi thì cha mẹ hãy cho trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tại nhà cha mẹ cần lưu ý như sau:
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ
Khi trẻ hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi trong thì cần vệ sinh mũi họng cho trẻ. Cha mẹ nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ mỗi ngày 4 - 5 lần, mỗi bên mũi 3 - 4 giọt. Trước khi nhỏ mũi, ngâm lọ nước muối vào nước ấm; Để trẻ nằm ngửa, đầu ngửa nhẹ ra sau sao cho đầu thấp hơn chân; Nhỏ nước muối sinh lý đã được làm ấm vào từng bên mũi. Với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nhỏ 2 - 3 giọt, với trẻ lớn hơn có thể nhỏ 4 - 5 giọt.
Đợi khoảng 30 giây để nước muối thấm vào làm loãng chất nhầy bên trong hốc mũi.
Làm sạch hốc mũi: Với trẻ lớn đã biết xì mũi thì cho trẻ ngồi dậy, xì mũi ra một chiếc khăn sạch. Còn nếu trẻ nhỏ không xì mũi được thì phụ huynh dùng bóng hút để hút đờm nhớt bên trong hốc mũi của trẻ. Thực hiện thủ thuật này bằng cách bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi, dùng tay bịt mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra. Khi đó đờm nhớt trong hốc mũi sẽ được hút vào bóng hút.
Rửa bóng hút mũi: Bóp mạnh bóng hút mũi để đờm nhớt trong bóng xì vào khăn sạch. Sau khi hút hết cả 2 hốc mũi, thực hiện hút xả bóng hút nhiều lần dưới vòi nước để làm sạch hiệu quả.
Lưu ý: Cha mẹ không nên dùng tay bịt 2 bên mũi để xì mũi cho trẻ, vì sẽ làm tăng đột ngột áp lực vào mũi. Đồng thời giấy sử dụng để xì mũi phải là giấy mềm, sạch, chỉ dùng 1 lần.
- Cần tắm cho trẻ bằng nước ấm
Việc vệ sinh hàng ngày cho trẻ rất quan trọng, cha mẹ không nên kiêng khem. Nếu trẻ sổ mũi hắt hơi thì vẫn cần vệ sinh tắm rửa sạch sẽ. Tắm nước ấm có thể giúp kích thích khả năng lưu thông máu ở đường hô hấp. Qua đó làm dịu mũi, ngực và làm sạch chất nhầy trong mũi của trẻ.
Khi tắm cho trẻ cần chú ý chọn nơi kín gió, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh khiến các triệu chứng trở nặng. Ngoài ra, khi chuẩn bị nước tắm, bạn có thể nhỏ thêm một ít tinh dầu khuynh diệp hoặc tinh dầu tràm để giữ ấm cơ thể cho trẻ và hỗ trợ sát trùng đường thở, điều này có thể áp dụng được cho cả trẻ sơ sinh bị ho, hắt hơi, sổ mũi. Nhớ tắm nhanh sạch sẽ cho trẻ tránh để bị nhiễm lạnh.
- Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
Khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ cần duy trì một chế độ ăn hợp lý để bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường sức đề kháng nhằm chống lại tác nhân gây bệnh, giúp trẻ hồi phục nhanh hơn.
Cha mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và chuẩn bị các thức ăn mềm lỏng, dễ cho việc tiêu hóa của trẻ như cháo, súp, bún, phở, nước canh… Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên bổ sung thêm các loại trái cây giàu vitamin cho trẻ và tránh cho ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ khó tiêu hóa.
- Cho trẻ uống nhiều nước
Việc uống đủ nước rất quan trọng với trẻ, nhất là khi trẻ sổ mũi hắt hơi. Điều này sẽ giúp làm lỏng lượng chất nhầy trong đường hô hấp, giúp trẻ dễ ho và xì mũi hơn, hỗ trợ cơ thể tống bớt vi khuẩn, virus và đờm nhớt ra khỏi đường thở.
- Chú ý trẻ khi ngủ
Nếu trẻ hắt hơi, sổ mũi kèm theo nghẹt mũi cha mẹ nhớ cho trẻ mang tất chân để giữ ấm. Cho trẻ nằm cao đầu khi ngủ để ngăn nước mũi chảy ngược vào trong gây ngạt mũi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và ngủ ngon hơn.
Tóm lại: Hắt hơi, sổ mũi là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ và đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm ở trẻ. Vì thế, cha mẹ cần luôn sát sao theo dõi các triệu chứng bất thường của con mình, để từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.
BS. Nguyễn Thị Bích