• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối phó với bệnh viêm gan khi mang thai

Viêm gan khi mang thai có liên quan đến các biến chứng thai kỳ và thai nhi. Do đó, việc tuân thủ các hướng dẫn sàng lọc là chìa khóa để giảm lây truyền viêm gan virus từ mẹ sang con.

1. Viêm gan là gì?

Viêm gan là một nhóm bệnh nhiễm virus ảnh hưởng đến gan và gây tổn thương tại gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào bị viêm trong mô gan. Cho tới nay ít nhất đã có 6 loại virus viêm gan là: virus viêm gan A, B, C, D, E, G. Có 3 dạng viêm gan chính thường gặp là viêm gan A, B và C. Mặc dù có liên quan với nhau nhưng mỗi dạng đều có loại virus cụ thể riêng.

Viêm gan A chủ yếu là một bệnh cấp tính (ngắn hạn). Viêm gan A có thể được chữa khỏi hoặc không cần điều trị đặc hiệu. Viêm gan B và C thường là bệnh mạn tính (lâu dài). Viêm gan A và B có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Hiện nay chưa có vaccine ngừa viêm gan C.

Đối phó với bệnh viêm gan khi mang thai- Ảnh 1.

Viêm gan mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, hậu quả có thể gây suy gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Giống như virus HIV, bệnh lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Nhiều phụ nữ khi mang thai không biết mình bị viêm gan, không được theo dõi điều trị trong quá trình mang thai cũng như trẻ sinh ra không được tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh.

2. Sàng lọc viêm gan ở phụ nữ mang thai

Vì viêm gan là một bệnh nhiễm virus nên nó dễ lây lan, thường được truyền qua máu hoặc dịch cơ thể. Viêm gan cũng có thể được truyền từ mẹ sang con khi sinh. Nguy cơ cao hơn đối với những phụ nữ mắc bệnh viêm gan B và C.

Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP) khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh viêm gan B trong lần khám thai đầu tiên. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị sàng lọc bệnh viêm gan C trong thai kỳ nhưng hiện tại AAFP lại không khuyến nghị. AAFP chỉ khuyến nghị sàng lọc viêm gan C cho những người có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Đối phó với bệnh viêm gan khi mang thai- Ảnh 2.

Bà mẹ mang thai nên được khám sàng lọc viêm gan từ lần khám thai đầu tiên.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bà mẹ mang thai có nhiễm virus viêm gan B cấp tính làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, vàng da. Bà mẹ mang thai có bệnh viêm gan B mạn tính thì tăng nguy cơ đái tháo đường thai nghén và băng huyết khi sinh. Ngoài ra, viêm gan virus cấp và mạn tính trên bà mẹ mang thai có HBeAg dương tính nếu không được quản lý và điều trị kịp thời thì nguy cơ 90% có thể truyền virus viêm gan B sang con.

Phụ nữ khi đang có kế hoạch mang thai mà chưa tiêm phòng trước đó nên kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ. Tốt nhất là nên tiêm trước khi mang thai để vaccine có đủ thời gian tạo kháng thể phòng bệnh. Trong trường hợp đã mang thai, thai phụ cần tiến hành xét nghiệm HBsAg và HBsAb để biết được mình có đang nhiễm virus viêm gan B hay không, hay đã có kháng thể kháng virus viêm gan B.

3. Phụ nữ mang thai bị viêm gan cần làm gì?

Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm gan B sẽ được tiêm một liều globulin miễn dịch (IG). Mũi tiêm này giúp điều trị virus và bảo vệ em bé. Sau khi sinh, em bé sẽ được tiêm một liều IG cũng như vaccine viêm gan B. Khuyến nghị của CDC Hoa Kỳ là tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm vaccine viêm gan B khi mới sinh.

Không giống như bệnh viêm gan B, không có loại thuốc nào giúp ngăn ngừa phụ nữ mang thai truyền bệnh viêm gan C sang con. Phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm gan B hoặc C sẽ được chăm sóc thêm trước khi sinh. Điều này có thể bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm gan và thuốc để giảm triệu chứng.

Phụ nữ sử dụng thuốc rebetron (kết hợp giữa thuốc rebetrol và intron A) để điều trị viêm gan C không nên cố gắng mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Khi đang sử dụng thuốc này và có thai, hãy ngừng dùng thuốc ngay và tới gặp bác sĩ. Những phụ nữ cho con bú cũng không được sử dụng thuốc này. Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc khác có thể gây hại, bao gồm thuốc theo toa và thuốc không kê đơn.

Đối phó với bệnh viêm gan khi mang thai- Ảnh 3.

Tiêm vaccine viêm gan B cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai là an toàn cho cả thai phụ và em bé.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, phụ nữ đến độ tuổi kết hôn cần được xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan B, nếu không bị thì nên tiêm vaccine dự phòng. Phụ nữ khi đã mắc viêm gan B nếu có thai cần được quản lý bởi bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm và khám thai định kỳ, cần uống thuốc kháng virus tránh lây truyền sang cho con từ tuần lễ thứ 24 và trẻ sinh ra cần được tiêm huyết thanh và vaccine sớm trong 24 giờ đầu sau sinh.

Bệnh viêm gan B hiện nay đã có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Do đó, việc sàng lọc, phát hiện và quản lý phụ nữ bị viêm gan B thời kỳ trước, trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh để đảm bảo trẻ sinh ra không bị nhiễm virus viêm gan B là việc làm rất quan trọng và cấp thiết. Phụ nữ mang thai bị viêm gan B hoặc C nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ biến chứng nào.

Thiên Châu


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?