• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

4 điều cần biết để phòng thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người bệnh tim mạch.

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim

Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu cơ tim là sự tích tụ của các mảng vữa và xơ cứng, được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm hẹp, cản trở sự lưu thông của máu qua động mạch.

Ngoài ra, lưu lượng máu mạch vành có thể giảm do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển đến gây tắc mạch, hoặc do tình trạng co thắt động mạch vành.

Yếu tố nguy cơ thúc đẩy thiếu máu cơ tim bao gồm: Hút thuốc lá; Béo phì; Tăng huyết áp; Rối loạn mỡ máu; Đái tháo đường... Ngoài ra, thói quen ít vận động cũng có thể mắc thiếu máu cơ tim.

4 điều cần biết để phòng thiếu máu cơ tim- Ảnh 1.

Thiếu máu cơ tim có thể có biểu hiện đau dữ dội hoặc cảm giác tức nặng ngực.

Triệu chứng thiếu máu cơ tim

Một số người mắc bệnh thiếu máu cơ tim không hề gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, trường hợp này còn được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Khi các động mạch tắc hẹp nhiều hơn và lượng máu nuôi tim suy giảm nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp phải một số các triệu chứng mà điển hình nhất là đau thắt ngực trái.

Cơn đau có thể dữ dội hoặc cảm giác tức nặng ngực, thường lan sang cổ, hàm, vai và cánh tay trái, kèm theo đó là các biểu hiện khác như:

  • Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức
  • Mệt mỏi rã rời chân tay
  • Buồn nôn và ói mửa, buồn đi cầu, dấu hiệu gần giống như bị ngộ độc thực phẩm
  • Vã mồ hôi lạnh
  • Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực
  • Chóng mặt, choáng váng

Ghi nhận thực tế, có nhiều người có thể bị thiếu máu cơ tim thầm lặng, hoặc thiếu máu cơ tim không đau, hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim không có triệu chứng báo trước. Những người từng bị nhồi máu cơ tim, người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị thiếu máu cơ tim thầm lặng hơn.

Điều trị thiếu máu cơ tim

Điều trị thiếu máu cơ tim thường tập trung vào việc phục hồi lưu lượng máu và giảm nguy cơ biến chứng. Cần xác định và điều trị các bệnh liên quan thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau thắt ngực và thiếu máu cơ tim cục bộ. Xác định và can thiệp các yếu tố nguy cơ tim mạch. Trong trường hợp cần thiết, cần tái thông mạch máu bằng phẫu thuật.

4 điều cần biết để phòng thiếu máu cơ tim- Ảnh 2.

Chế độ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch, tránh được thiếu máu cơ tim.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật hoặc cả hai.

Các thuốc được sử dụng để kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ biến chứng cụ thể: Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường (nếu có); Thuốc ức chế men chuyển angiotensin; Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, giảm nguy cơ đông máu; Thuốc chẹn beta; Thuốc chẹn kênh canxi;

Các loại thuốc sử dụng để điều trị thiếu máu cơ tim sẽ được cá nhân hóa trên từng bệnh nhân cụ thể. Có thể loại thuốc này phù hợp với bệnh nhân này nhưng lại không hiệu quả với bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc cũng có chống chỉ định riêng. Do đó người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám thường xuyên và đặc biệt là không tự ý sử dụng đơn thuốc của người khác.

Điều trị can thiệp được áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc tình trạng thiếu máu cơ tim nặng cần phẫu thuật để hạn chế biến chứng. Can thiệp mạch vành qua da: Nong mạch vành và đặt stent; Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi lối sống để điều trị thiếu máu cơ tim bao gồm: Có chế độ ăn lành mạnh cho tim; Ngủ đủ giấc; Tăng cường vận động…

Cách ngăn chặn thiếu máu cơ tim 

Để ngăn chặn thiếu máu cơ tim cần thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống. Điều này có thể góp phần ngăn chặn các bệnh lý mạn tính nói chung, bệnh lý tim mạch nói riêng, cụ thể:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức bền, phòng thiếu máu cơ tim. Chúng ta có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi ví dụ như: bơi, đi bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh. Tập luyện 30 phút mỗi ngày và 150 phút/ tuần.
  • Có chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch, tránh được thiếu máu cơ tim. Cần tránh sử dụng nhiều những thực phẩm có chất béo bão hòa và cholesterol cao như: Mỡ động vật, da và phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà mà nên sử dụng thực phẩm chứa chất béo bão hòa ( dầu ăn, đậu, lạc, đỗ). Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: rau xanh, củ quả, trái cây tươi.
  • Cần duy trì cân nặng hợp lý: Việc duy trì cân nặng giúp giảm được nhiều nguy cơ mắc các bệnh trong đó có thiếu máu cơ tim. Việc giảm cân ở người thừa cân, béo phì giúp giảm gánh nặng lên tim mạch và khớp.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào và hạn chế sử dụng đồ uống có cồn (bia, rượu): Thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ cao làm tăng xơ vữa mạch vành. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp.

Cũng giống như các bệnh tim khác, sử dụng thuốc là giải pháp an toàn hiệu quả để phòng ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

BS. Nguyễn Tuấn Anh


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?