Cách giảm cận thị tại nhà
Cận thị là tật khúc xạ ở mắt rất thường gặp. Không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì sẽ khiến đôi mắt kém trong sáng, phụ thuộc kính mắt... Khi mức độ cận thị càng nặng thì đôi mắt càng trở nên lờ đờ mờ đục. Vậy có cách nào giúp giảm cận thị tại nhà?
Những dấu hiệu sớm của cận thị
Cận thị là tật khúc xạ thường gặp từ khi còn trẻ, thường tiến triển theo thời gian. Khi bị cận thị, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi nhìn vật thể ở xa. Mức độ cận càng nặng càng khiến cấu trúc mắt bị thay đổi, khiến mắt lồi hơn và kém sinh động, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tật cận thị có thể được phát hiện sớm và thực hiện các cách để giảm mức độ cận, sẽ giữ cho đôi mắt được đẹp và trong sáng. Các dấu hiệu của cận thị bao gồm:
Người bệnh thường xuyên phải nheo mắt khi quan sát vật thể, đặc biệt là những vật thể ở xa; khó nhìn rõ vật khi không đủ ánh sáng.
Có dấu hiệu mỏi mắt, nhức mắt, chảy nước mắt khi phải tập trung quan sát. Trẻ có thể kêu đau nhức đầu khi phải tập trung trong thời gian học bài.
Trẻ xem tivi thường phải ngồi gần mới nhìn rõ được hình ảnh. Khi học bài, trẻ thường dí sát mắt vào sách vở, dễ bị đọc nhảy hàng hoặc dùng tay dò theo từng dòng chữ mới đọc được đúng.
Trẻ không thích tham gia các hoạt động phải nhìn xa, hay bị chói mắt bởi ánh sáng…
Cách giảm cận thị tại nhà
Để hạn chế độ cận thị tăng nhanh, cha mẹ cần quan sát và phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ và đưa trẻ đi khám sớm. Khi trẻ mới bắt đầu có dấu hiệu, bác sĩ sẽ chỉ định một số bài tập về mắt, dùng thuốc nhỏ bảo vệ mắt cùng chế độ ăn và hạn chế sử dụng các thiết bị như điện thoại, máy tính, tivi... Trẻ cũng cần hạn chế đọc sách/truyện trong thời gian quá lâu. Đồng thời tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời... để ngăn ngừa cận thị.
Khi trẻ đã bị cận thị, cần phải có những phương pháp để giúp giảm cận thị hoặc hạn chế sự phát triển của tật khúc xạ này.
Hạn chế tăng độ cận thị bằng các bài tập mắt
Các bài tập về mắt tuy không giúp giảm độ cận nhưng sẽ hạn chế tăng độ và tăng cường sức khỏe cho đôi mắt. Đặc biệt đối với học sinh và người làm việc văn phòng thường xuyên phải đọc nhiều, làm việc với máy tính, khi thực hiện những bài tập dưới đây sẽ giúp mắt thư giãn, khỏe mạnh:
- Nhắm mắt: Mỗi sáng thức dậy hoặc khi cảm thấy mắt mỏi mệt, hãy nhắm mắt và dùng ngón tay áp út xoay tròn vùng da quanh mắt trong khoảng 1 - 2 phút, sau đó xoay tròn theo chiều ngược lại. Thực hiện liên tục trong khoảng 4 - 5 lần.
Để hạn chế động tác massage tác động gây khô rát lên vùng da quanh mắt, có thể kết hợp cùng kem dưỡng da mắt giúp tạo độ ẩm và mềm mại do da.
Hoặc cách đơn giản hơn nhưng cũng khá hiệu quả là thư giãn, nhắm mắt khoảng 5 giây, sau đó nhẹ nhàng mở mắt 5 giây. Lặp lại liên tục khoảng 10 lần sẽ giúp mắt được thư giãn.
- Đảo mắt: Khi học bài hoặc làm việc mà thấy mỏi mắt, hãy dừng công việc lại và ngồi thả lỏng. Đảo mắt theo chiều kim đồng hồ khoảng 5 lần, rồi đảo ngược lại 5 lần.
- Quy tắc 20 - 20 - 20 hoặc 2 - 20: Là quy tắc giúp mắt nghỉ ngơi, thư giãn trong lúc làm việc.
+ Quy tắc 20 - 20 - 20: Là quy tắc được sáng tạo bởi bác sĩ nhãn khoa Jeffrey Anshel (California – Mỹ). Đây là giải pháp bảo vệ mắt cho những người thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính. Cách thực hiện như sau:
Sau mỗi 20 phút tiếp xúc với màn hình điện thoại, nên dừng lại và nhìn ra một điểm cách xa khoảng 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.
+ Quy tắc 20 - 20 - 2 - 20: Theo Học viện Mắt của Mỹ, trung bình mắt sẽ chớp 15 lần trong 1 phút. Nhưng khi tập trung nhìn vào màn hình, số lần chớp mắt giảm đi một nửa dẫn đến mắt khô và mỏi mệt. Do đó cần phải chú ý đến việc chớp mắt trong khi làm việc. Quy tắc này gồm 2 phần.
Phần 1 (20 - 20): Sau mỗi 20 phút nhìn màn hình thì cần ngừng lại và nhìn xa rồi đếm chậm đến 20 để thư giãn. Trong lúc đếm chậm có thể uống nước bổ sung và chớp mắt 2 - 3 lần.
Phần 2 (2 - 20): Sau mỗi 2 giờ làm việc trên thiết bị điện tử thì cần nghỉ ngơi hoàn toàn 20 phút và vận động với các bài tập nhìn xa, đảo mắt, đi lại, nhắm mắt nghỉ ngơi thư giãn... trước khi quay lại sử dụng máy tính.
Thay đổi thói quen
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường vội vã với học tập và công việc, do đó có không ít thói quen xấu làm ảnh hưởng đến tật khúc xạ. Khi thay đổi thói quen xấu và sắp xếp lối sống khoa học cũng là một cách giúp hạn chế sự phát triển của bệnh cận thị.
Ngoài các bài tập giúp mắt nghỉ ngơi như trên, cần thực hiện các bước sau để giúp mắt được khỏe:
- Ngồi làm việc/học tập trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Tư thế ngồi học thẳng lưng, không cúi gục đầu. Để mắt cách xa sách/vở khoảng 25 - 30cm. Mỗi 30 - 45 phút đọc sách cần để mắt nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập cho mắt như trên.
Người làm việc với máy tính cũng cần tư thế ngồi thẳng lưng, không để ánh sáng màn hình chiếu thẳng vào mắt, nên để màn hình thấp hơn tầm nhìn của mắt và cách xa mắt khoảng 50cm. Thực hiện các bài tập mắt như trên.
Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ tối thiểu 30 phút.
Đeo kính đúng số đo, định kỳ đi khám mắt thường xuyên.
Nên bổ sung dưỡng chất tốt cho mắt với các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, canxi, kẽm…
BSCK2.Lê Hồng Hà