• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh truyền nhiễm hiếm gặp Babesia điều trị như thế nào?

Bệnh Babesia là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia lây truyền từ động vật sang người. Bệnh có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và điều trị bằng thuốc hoặc truyền máu.

1. Bệnh Babesia là gì?

Bệnh Babesia do nhiễm ký sinh trùng có tên là Babesia microti gây ra. Những con ve lây truyền có thể nhiễm ký sinh trùng từ động vật bị nhiễm bệnh, như loài gặm nhấm. Sau đó, chúng có thể truyền ký sinh trùng sang người qua vết cắn.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh Babesia có thể lây lan qua truyền máu hoặc truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi. Bệnh không lây truyền từ người sang người.

Nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn ở người lớn tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn.

Các triệu chứng của bệnh Babesia thường xuất hiện từ 1 đến 6 tuần sau khi bị bọ ve nhiễm bệnh cắn hoặc tối đa 6 tháng sau khi truyền các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh.

Nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Trong những trường hợp khác, các triệu chứng thường không đặc hiệu.

Bệnh truyền nhiễm hiếm gặp Babesia điều trị như thế nào?- Ảnh 1.

Bệnh Babesia do nhiễm ký sinh trùng có tên là Babesia microti gây ra.

Các triệu chứng bắt đầu với sự khởi phát dần dần của sự mệt mỏi, khó chịu, sau đó là một hoặc nhiều triệu chứng sau: Ớn lạnh, đổ mồ hôi, chán ăn, nhức đầu, suy nhược, buồn nôn, ho khan và đau khớp.

Những người bị nặng hơn thường phải nhập viện, thường chủ yếu bao gồm những người có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như tuổi già, hệ thống miễn dịch suy yếu và suy giảm lá lách (không có lá lách). Bệnh có tỷ lệ tử vong thấp nhưng cao hơn nhiều ở những người phải nhập viện.

2. Phương pháp điều trị bệnh Babesia

- Nếu bệnh nhân khỏe mạnh và không có triệu chứng thì không cần điều trị.

- Những bệnh nhân lớn tuổi, suy giảm miễn dịch được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng kết hợp thuốc clindamycin và quinine; hoặc atovaquone và azithromycin.

- Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải truyền máu toàn phần (loại bỏ máu bị nhiễm bệnh) để giảm lượng ký sinh trùng lưu hành trong máu.

3. Thuốc điều trị bệnh Babesia

Vì Babesia là bệnh do ký sinh trùng, nên khuyến cáo điều trị thông thường là kết hợp thuốc chống ký sinh trùng với thuốc kháng sinh trong 7 - 10 ngày. Sự kết hợp này bao gồm clindamycin và quinine; hoặc atovaquone và azithromycin.

Sự kết hợp của atovaquone và azithromycin được đề xuất là liệu pháp lựa chọn cho những bệnh nhân trưởng thành có hệ miễn dịch bình thường gặp các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và ở những bệnh nhân không dung nạp clindamycin và quinine. Clindamycin và quinine nên được sử dụng cho những bệnh nhiễm trùng nặng hơn.

Clindamycin (tiêm tĩnh mạch) và quinine uống nên được dùng cho những bệnh nhân bị bệnh Babesia nặng với mật độ ký sinh trùng cao (>10%), tan máu đáng kể hoặc suy thận, gan hoặc phổi. Khi cần thiết, quinine uống có thể được thay thế bằng quinidine tiêm tĩnh mạch.

Sự kết hợp của clindamycin và quinine là liệu pháp kháng khuẩn thành công đầu tiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng nhưng phác đồ atovaquone và azithromycin ít gây ra phản ứng phụ hơn so với phác đồ clindamycin và quinine.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất với atovaquone và azithromycin là tiêu chảy và phát ban; với clindamycin và quinine, các tác dụng phụ phổ biến nhất là ù tai, tiêu chảy và giảm thính lực.

Bệnh truyền nhiễm hiếm gặp Babesia điều trị như thế nào?- Ảnh 2.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh bị ve cắn khi ở ngoài trời.

4. Phòng ngừa bệnh Babesia như thế nào?

Không có vaccine để ngăn ngừa bệnh Babesia. Cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh bị ve cắn. Để bảo vệ khi ở ngoài trời cần thực hiện:

- Sử dụng thuốc chống côn trùng.

- Mặc quần áo sáng màu để giúp dễ nhìn thấy ve hơn.

- Tắm rửa và gội đầu sau khi ra ngoài. Kiểm tra trẻ em và vật nuôi xem có ve không sau khi vào nhà.

Đi ở giữa đường mòn, thay vì đi qua bãi cỏ cao hoặc rừng.

- Mang giày hoặc ủng kín, áo sơ mi dài tay và quần dài. Nhét ống quần vào giày hoặc ủng để tránh ve bò lên chân.

DS. Vũ Thuỳ Dương


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?