• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các thuốc có thể dùng trị mất ngủ

Khó đi vào giấc ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại, cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng… là những phàn nàn phổ biến ở những người bị mất ngủ. Có nhiều giải pháp để khắc phục chứng mất ngủ trong đó có việc dùng thuốc.

1. Mất ngủ có phải là bệnh?

Mất ngủ không phải là một bệnh, mà thường được coi là một triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe khác. Mất ngủ có thể làm bạn gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, duy trì giấc ngủ hoặc có giấc ngủ không đủ sâu và bị gián đoạn. Những rối loạn này khiến giấc ngủ không sảng khoái và không yên giấc, ảnh hưởng đến chất lượng ngày hôm sau như: Mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, hồi hộp, khó tập trung, khó ghi nhớ…

Nguyên nhân gây mất ngủ:

  • Mất ngủ có thể do các yếu tố bên ngoài: Môi trường không thuận lợi cho giấc ngủ (phòng ngủ quá sáng hoặc quá ồn), xảy ra một sự kiện căng thẳng (căng thẳng trong công việc, sắp sinh con, kỳ thi quan trọng…).
  • Mất ngủ cũng có thể do thói quen sinh hoạt không tốt (dùng nhiều chất kích thích) hoặc do bệnh lý (hội chứng ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chân không yên, cường giáp, trầm cảm…).
Thuốc nào trị mất ngủ hiệu quả? - Ảnh 1.

Mất ngủ có tác động rất xấu đến sức khỏe.

Mất ngủ mạn tính là mất ngủ xảy ra hơn 3 lần một tuần, trong hơn ba tháng. Nếu mất ngủ kéo dài và gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và nhận được sự hỗ trợ và điều trị phù hợp.

2. Hệ lụy của mất ngủ

Ngủ không đủ giấc có tác động rất xấu đến sức khỏe, bao gồm:

  • Giảm các chức năng nhận thức với nguy cơ lớn xảy ra tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động;
  • Tăng nguy cơ phát triển các bệnh chuyển hóa (béo phì, đái tháo đường...) và các bệnh lý tim mạch;
  • Giảm phòng thủ miễn dịch;
  • Đẩy nhanh tốc độ của quá trình lão hóa.

Trong trường hợp thiếu ngủ trầm trọng, có thể xuất hiện các rối loạn hành vi như cáu kỉnh, hung hăng, trầm cảm, sử dụng chất gây nghiện...

Việc điều trị chứng mất ngủ luôn phải bắt đầu từ việc áp dụng các quy tắc sống lành mạnh. Để có giấc ngủ ngon, một số quy tắc đơn giản phải được tôn trọng:

  • Phòng ngủ cần yên tĩnh, không có tiếng ồn, có nhiệt độ phù hợp
  • Đi ngủ đúng giờ
  • Tránh dùng các chất kích thích (trà, cà phê, rượu bia, nước tăng lực) vào buổi tối;
  • Ăn nhẹ vào buổi tối, cách xa giờ đi ngủ;
  • Không xem tivi hoặc sử dụng máy tính trên giường;
  • Không chơi thể thao cường độ cao vào buổi tối:
  • Tôn trọng giấc ngủ khi nó xảy ra, không chống lại cơn buồn ngủ;
  • Không nên ngủ trưa, ngủ vào ban ngày quá lâu.

Nếu những biện pháp đơn giản này không thành công, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để sử dụng trong thời gian càng ngắn càng tốt. Vì thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn, bao gồm cả sự lệ thuộc trong trường hợp sử dụng thuốc quá thường xuyên, đặc biệt ở người cao tuổi.

Thuốc nào trị mất ngủ hiệu quả? - Ảnh 3.

Tất cả các loại thuốc ngủ đều có tác dụng phụ, vì vậy cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

3. Thuốc nào trị mất ngủ?

Việc chỉ định dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ mất ngủ, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc khác nhau:

  • Thuốc an thần kinhCó tác dụng làm chậm hoạt động của hệ thần kinh trung ương, thường được các bác sĩ kê đơn để điều trị các chứng lo lắng, rối loạn giấc ngủ. Các thuốc an thần có thành phần hoạt chất phổ biến là diazepam, olanzapin…
  • Thuốc kháng histaminMột số thuốc kháng histamin H1 như doxylamine có tác dụng an thần, đôi khi được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ. Tuy nhiên, do tác dụng phụ của thuốc (bao gồm táo bón, khô miệng, tim đập nhanh…), thuốc thường không được khuyến khích, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Thuốc trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm, như amitriptyline, có tác dụng an thần, có thể dùng với liều lượng thấp để giúp ngủ ngon hơn. Tuy nhiên thuốc nên dành cho chứng mất ngủ liên quan đến trầm cảm.
  • Melatonin: Được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể, hormone này đã chứng minh hiệu quả đối với chứng mất ngủ liên quan đến tình trạng lệch múi giờ. Melatonin giải phóng kéo dài đã được cấp phép để điều trị chứng mất ngủ ở người trên 55 tuổi.
  • Thuốc thảo dược: Một số loại cây được cho là có tác dụng thúc đẩy giấc ngủ, như tâm sen, bình vôi, nữ lang, hoa chanh, táo gai, hoa lạc tiên… Những loại thuốc thảo dược này thường được cơ thể dung nạp tốt và không gây nghiện.

Chú ý: Tất cả các loại thuốc ngủ đều có tác dụng phụ, tùy thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Khi dừng đột ngột, bản thân thuốc ngủ có thể gây mất ngủ (hội chứng cai nghiện). Vì vậy cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ và ngừng thuốc từ từ.

Một số loại thuốc đôi khi có thể là nguyên nhân gây mất ngủ, như một số thuốc chống động kinh, thuốc chẹn beta, thuốc chống parkinson, thuốc tim mạch, thuốc thông mũi…

Ths. Nguyễn Mạnh Hùng


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?