Biểu hiện viêm lợi và cách phòng ngừa hiệu quả
Viêm lợi là bệnh lý răng miệng thường gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua. Nếu không được điều trị viêm lợi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vì sao bị viêm lợi?
Viêm lợi là bệnh lý khá phổ biến nhưng lại có ít người quan tâm. Nguyên nhân gây ra viêm lợi có thể chia thành 2 nhóm: Nguyên nhân toàn thân và tại chỗ.
Nguyên nhân tại chỗ gây viêm lợi
Nổi bật nhất là nguyên nhân xuất phát tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Khi vệ sinh răng miệng kém, răng sẽ xuất hiện nhiều mảng bám và cao răng. Lúc này trên hệ thống mảng bám và cao răng, vi khuẩn sẽ phát triển, sinh sôi mạnh mẽ dẫn tới cấu trúc mô lợi xung quanh bị phá hủy. Từ đó xuất hiện tình trạng viêm lợi. Mức độ viêm lợi nặng hay nhẹ ở mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào tình trạng mảng bám, cao răng nhiều hay ít.
Nếu vệ sinh răng miệng kém, không lấy cao răng định kỳ sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng viêm lợi.
Nguyên nhân toàn thân
Các nguyên nhân toàn thân có thể hay gặp gây viêm lợi là những người suy giảm chức năng miễn dịch như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đái tháo đường. Lúc này tình trạng niêm mạc miệng yếu và dễ bị viêm lợi hơn so với người bình thường.
Biểu hiện của viêm lợi
Triệu chứng của viêm lợi sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ. Dấu hiệu viêm lợi theo các mức độ:
- Ở mức độ nhẹ, màu sắc của lợi sẽ thay đổi, sậm hơn so với màu hồng nhạt ở lợi khỏe mạnh.
- Ở mức độ nặng hơn, lợi sẽ có dấu hiệu sung huyết, phù nề. Bệnh nhân có thể tự quan sát thấy niêm mạc lợi sưng phồng.
- Ở mức độ nặng, tổ chức niêm mạc lợi có thể chảy máu dễ dàng khi chạm nhẹ. Trường hợp nặng hơn chảy máu tự nhiên và có các điểm chảy máu ở vùng niêm mạc lợi.
Điều trị viêm lợi
Khi điều trị viêm lợi, bệnh nhân có thể dùng kết hợp thuốc điều trị toàn thân và tại chỗ. Bên cạnh đó kết hợp với dùng nước súc miệng tốt cho tình trạng viêm nhiễm ở khoang miệng. Trong các đợt viêm lợi cấp có thể dùng kháng sinh để bôi tại chỗ.
Để bệnh viêm lợi nhanh khỏi bệnh nhân cần thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kết hợp dùng nước súc miệng hàng ngày.
Để phòng ngừa bệnh viêm lợi và hạn chế bệnh tái phát, cần chải răng đúng cách. Chải răng bằng cách xoay tròn bàn chải tại chỗ, để bàn chải 45 độ và đủ thời gian theo khuyến cáo. Chải răng ít nhất 3 lần một ngày sau mỗi bữa ăn để tránh tạo mảng bám. Việc làm cho bề mặt răng sạch sẽ hạn chế được vi khuẩn phát triển. Đây là lưu ý cực kỳ quan trọng bởi việc vệ sinh răng miệng là việc hàng ngày cần làm nhưng lại không được mọi người chú trọng.
Cần lấy cao răng 6 tháng - 1năm/lần tùy vào tình trạng răng miệng của từng người.
Với một số bệnh nhân dùng thuốc toàn thân như thuốc trầm cảm, thuốc kháng histamin cũng dễ gây ra tình trạng khô miệng dẫn tới viêm lợi. Lúc này bệnh nhân cần báo với bác sĩ điều trị để kết hợp các chuyên khoa trong điều trị.
Viêm lợi có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị kịp thời viêm lợi có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Viêm lợi nếu không điều trị có thể gây áp xe lợi tại chỗ, mưng mủ. Việc viêm nhiễm nặng tạo ra những tổ chức tổn thương. Nếu áp xe lâu ngày không được điều trị sẽ gây hoại tử ở vùng lợi tổn thương.
Viêm nhiễm nặng lâu ngày không được điều trị có thể lan tổ chức xương của răng và quanh răng. Điều này có thể gây ra tình trạng tiêu xương, tụt lợi. Một số bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém gây tụt lợi, hở chân răng lâu ngày dẫn tới tiêu ổ răng. Nặng hơn nữa khi bị tiêu xương tụt lợi có thể dẫn tới việc răng bị lung lay, yếu hoặc mất răng.
ThS.BS Đậu Thị Kiều Trang
Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện 198