Nội soi dạ dày những điều cần biết
Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện các tổn thương ở dạ dày, chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư.
Những phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là chỉ định được sử dụng trong các cơ sở y tế rất phổ biến. Vì chúng có độ an toàn và chính xác cao về chẩn đoán bệnh.
Có nhiều phương pháp nội soi dạ dày cụ thể:
- Nội soi dạ dày qua đường miệng: Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn nhất. Vì chi phí phù hợp, bình dân. Để thực hiện điều này bệnh nhân được yêu cầu uống loại bỏ dịch nhầy và xịt thuốc tê ở miệng. Sau đó, sẽ đưa ống nội soi vào miệng đi qua cuống họng rồi đưa xuống dạ dày. Phương pháp này không gây đau nhưng cảm giác rất khó chịu và buồn nôn.
- Nội soi dạ dày qua đường mũi: Cũng tương tự như nội soi qua đường miệng, bệnh nhân được gây tê ở mũi và miệng. Chỉ khác ở chỗ nội soi qua đường mũi, ống nội soi nhỏ hơn nên cảm giác đỡ khó chịu hơn. Tuy nhiên, chi phí cho loại phương pháp này tương đối cao và hạn chế đối với những người có bệnh lý ở mũi.
- Nội soi dạ dày bằng phương pháp gây mê: Phương pháp này giống như nội soi qua miệng, nhưng người bệnh được gây mê, nên sẽ không có cảm giác đau hay khó chịu. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém và phức tạp, bệnh nhân phải làm các xét nghiệm cần thiết để tránh những tai biến có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Khi nào cần nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng liên quan đến những vấn đề sau:
- Người có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lý đường tiêu hóa như khó nuốt, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, đi tiêu phân đen, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu máu…
- Người bệnh cần lấy mẫu mô (sinh thiết) để chẩn đoán và cắt bỏ polyp hoặc điều trị một số bệnh thông qua nội soi dạ dày như giãn tĩnh mạch thực quản, lấy dị vật…
- Người bệnh cần xem xét, đánh giá lại kết quả sau khi đã điều trị các bệnh lý ở thực quản, dạ dày.
- Người có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Nghiện hút thuốc lá, rượu bia, người bị viêm loét dạ dày mạn tính, dùng các loại thuốc ảnh hưởng dạ dày, người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa…
Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng có thể nội soi dạ dày để tầm soát các bất thường ở hệ tiêu hóa.
Những lưu ý cần biết khi nội soi dạ dày
Trước khi nội soi, cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng. Nếu còn thức ăn trong dạ dày, kết quả nội soi có thể bỏ sót tổn thương. Trong quá trình này, chỉ nên uống nước lọc, không uống các loại nước khác như trà, cà phê, nước có màu. Nên ngưng uống nước trước khi tiến hành nội soi 2 giờ.
Hãy thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai, có tiền sử phản ứng thuốc gây mê, đang sử dụng thuốc chống đông máu. Ngoài ra, nếu có bệnh tim mạch hoặc đã cấy ghép máy tạo nhịp tim nhân tạo, cũng cần thông báo cho bác sĩ. Nếu bạn đeo răng giả hoặc răng đang bị lung lay, hãy báo cho nhân viên y tế. Mặc trang phục thoải mái và rộng rãi để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn.
Sau khi nội soi có thể hoạt động như bình thường, nhưng không nên ăn ngay sau đó. Nhất là nếu có sinh thiết hay cắt polyp, không nên ăn thức ăn cay, uống rượu bia, cà phê hay hút thuốc lá sau đó.
Nếu nội soi gây mê, cần có người nhà đi cùng để đưa về, vì thuốc gây mê có thể khiến bạn buồn ngủ và khó tập trung cả ngày hôm đó, cũng cần ở lại theo dõi ít nhất 30 phút trước khi ra về.
Sau khi nội soi có thể bị đầy bụng, bụng khó chịu và đau rát cổ họng, điều này là bình thường và sẽ hết sau vài giờ.
Nhưng nếu bị đau bụng hoặc đau ngực dữ dội, sốt, nôn mửa, khó thở... hay gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì hãy quay lại tái khám.
Tóm lại: Nội soi dạ dày là một phương pháp phổ biến và rất hiệu quả để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Đây là cách hiệu quả để tầm soát bệnh lý ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tá tràng. Đây cũng là phương pháp đơn giản, an toàn và nhanh chóng để điều trị nhiều bệnh lý đường tiêu hóa.
BS Nguyễn Văn Dũng