• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nam điều dưỡng: Không từ bỏ, sẽ đi đến hết con đường...

Nghề điều dưỡng với anh Trần Xuân Ngọc đến như một cái duyên không ngờ và từ đó đã gắn bó gần nhiều năm qua bởi cái nghĩa và tình...

Điều dưỡng, nghề mà người ta vẫn thường ví là "nghề làm dâu trăm họ".  Khi đa số các sinh viên lựa chọn theo học là nữ, Trần Xuân Ngọc khi ấy là số ít nam sinh viên trong lớp lựa chọn gắn bó lâu dài với con đường này.

"Năm 2010, tôi quyết định thi lại đại học. Hồi đó mình theo học khối A, bố mẹ bảo làm hồ sơ thi thêm khối B, không đỗ thì cũng không sao. Cơ duyên may mắn mình đỗ cả hai trường của khối A và B. Sau đó quyết định theo học khối B, đó là trường Đại học Y Hà Nội." – Điều dưỡng Trần Xuân Ngọc hóm hỉnh chia sẻ.

Cái duyên đến với ngành Y của nam điều dưỡng  - Ảnh 1.

Năm tháng theo học Điều dưỡng của anh Ngọc tại ngôi trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Bước vào ngôi trường hơn trăm tuổi đào tạo về Y học, song, chàng sinh viên trẻ khi ấy vẫn còn rất mơ hồ về hai từ "điều dưỡng", Ngọc hồi tưởng: "Thời điểm đó, mình không có tìm hiểu trước về ngành, đã từng nghĩ đến việc từ bỏ."

May mắn thay, được sự động viên từ gia đình và qua những chia sẻ về mong muốn phát triển ngành Điều dưỡng của những người thầy cô tại khoa, ngọn lửa đam mê, tình yêu với nghề của anh từ đó được nhen nhóm và nồng cháy đến hiện tại.

"Có rất nhiều người bảo mình sao không học văn bằng hai để lên bác sĩ: Đã lựa chọn con đường này rồi, em sẽ không từ bỏ, sẽ phải đi đến cuối con đường. "- Điều dưỡng Trần Xuân Ngọc bộc bạch

Năm 2012, hoàn thành chương trình thạc sĩ, năm 2015 anh chính thức trở thành điều dưỡng tại khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Gần 9 năm công tác một khoảng thời gian tuy không quá dài, nhưng anh Ngọc cũng đã trải qua nhiều cảm xúc buồn vui, cũng thấm thía được những gian khó. Mặc dù vất vả nhưng anh luôn kiên định với nghề.

Nghề điều dưỡng, khi giấc mơ nghe máy thở...báo động

Theo điều dưỡng Ngọc, làm nghề điều dưỡng đã vất vả nhưng làm ở khoa Cấp cứu - Hồi sức còn áp lực hơn rất nhiều. Bởi bệnh nhân điều trị tại đây họ đứng giữa ranh giới mong manh nhất của sự sống và cái chết, chỉ có thể nương tựa vào sự chăm sóc của những người điều dưỡng.

"Công việc của người điều dưỡng có quá nhiều từ việc đi gửi xét nghiệm đến những thủ thuật cao gây ra nhiều áp lực, căng thẳng. Tôi vẫn nhớ như in khi thời gian đầu làm việc đêm nào tôi cũng vẫn nằm mơ thấy tiếng báo động của máy thở, đến nỗi nhiều đêm giật mình thức giấc hô cấp cứu bệnh nhân." - Điều dưỡng Trần Xuân Ngọc tâm sự

 Có lẽ là một nam làm điều dưỡng nên cũng giúp anh Ngọc phần nào có được sự gan dạ, mạnh mẽ hơn để tiếp tục vượt qua nỗi sợ ban đầu, tiếp tục với công việc. Đặc biệt, trong môi trường Hồi sức - Cấp cứu, với lợi thế sức khoẻ, điều dưỡng nam có nhiều thuận lợi khi liên tục phải phân loại, luân chuyển bệnh nhân cấp cứu hoặc chăm sóc bệnh nhân nặng toàn diện.

Cái duyên đến với ngành Y của nam điều dưỡng  - Ảnh 2.

Điều dưỡng Trần Xuân Ngọc hướng dẫn kiến thức chuyên môn cho các sinh viên, điều dưỡng trẻ (Ảnh: NVCC)

Chăm sóc cho bệnh nhân nữ, cũng là điều mà nhiều điều dưỡng trẻ là nam phân vân khi lựa chọn nghề. Theo anh Ngọc, mặc dù lúc đầu có hơi e ngại, nhưng chăm sóc bệnh nhân luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Vậy nên có những lúc cả người bệnh và nhân viên y tế đều e ngại, anh Ngọc sẽ cố gắng phân công điều dưỡng nữ chăm sóc hoặc trong trường hợp bắt buộc, sẽ cố gắng đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân.

Có những lần muốn rời phố về quê

8 tiếng trong ca làm việc của mình, theo anh Ngọc, một điều dưỡng sẽ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc ít nhất 3 người bệnh, thực hiện chăm sóc răng miệng, vệ sinh cá nhân. Còn những người bệnh phải lọc máu hay ECMO, công việc tăng lên gấp bội.

"Có khi, tất cả nhiệm vụ cùng diễn ra một lúc, dẫn đến tình trạng quá tải cho điều dưỡng khiến đôi lúc chúng tôi quên đi và làm việc như một thói quen." – Anh Ngọc chia sẻ

Cái duyên đến với ngành Y của nam điều dưỡng  - Ảnh 3.

Sự phục hồi của bệnh nhân là động lực cho anh và các đồng nghiệp (Ảnh: NVCC)

Dồn hết tâm sức khi làm việc nhưng không tránh khỏi những lúc căng thẳng, ở phòng bệnh nhiều hơn ở nhà, điều dưỡng Trần Xuân Ngọc thừa nhận đã có đôi ba lần anh nghĩ: "Vất vả quá, áp lực quá mình nên nghỉ, mình về quê làm một công việc khác."

Nhờ về một lần đưa bệnh nhân ra ngoài tập phục hồi chức năng, đi dạo một vòng quanh khuôn viên trường Đại học Y Hà Nội, để mong bệnh nhân có thể cảm nhận được họ đã sống lại một lần nữa như thế nào. 

Khoảnh khắc đó, chợt thấy nụ cười trên khóe môi của người đang sống chậm những phút cuối, đã tiếp thêm cho anh nhiều động lực tiếp tục với nghề.

Mỗi lần tiễn bệnh nhân ra khỏi phòng bệnh, quay trở lại cuộc sống bình thường, nhìn những nụ cười của những người đồng nghiệp, người nhà, đó là những nụ cười của sự hồi sinh, một nụ cười mang cảm xúc dạt dào, cho thấy điều dưỡng và đồng nghiệp đã thực sự làm được điều ý nghĩa cho cuộc đời.

Người điều dưỡng cần không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn (Ảnh: NVCC)

Với hy vọng có thể góp phần nhỏ đưa ngành điều dưỡng phát triển hơn nữa, hơn 8 năm cần mẫn với nghề và truyền lửa cho nhiều thế hệ điều dưỡng trẻ, điều dưỡng Trần Xuân Ngọc luôn nhắn nhủ với các bạn không nên ngần ngại, hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi trao đổi để có thể cùng chia sẻ kiến thức, tìm kiếm cơ hội phát triển cho bản thân.

Phía sau những áp lực của công việc, bước ra ngoài cánh cửa phòng bệnh, nhận được những tình cảm, ánh mắt trìu mến, đôi bàn tay xiết chặt cảm ơn từ tận đáy lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, như tiếp thêm "lửa tình" với nghề cho nhiều người làm công tác điều dưỡng như anh Trần Xuân Ngọc. 

 

Nguyễn Minh Ánh

 


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?