Bác sĩ hiến máu cứu bệnh nhân do chính mình phẫu thuật
Trước tình huống khẩn cấp cần máu để đảm bảo ca phẫu thuật, bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy đã nhanh chóng hiến máu, sau đó trực tiếp thực hiện ca mổ cứu bệnh nhân này.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, các đây ít ngày các sĩ của đơn vị đã tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ thận phải, suy thận cấp. Đáng chú ý, người hiến máu cứu bệnh nhân cũng chính là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.
Theo thông tin, nữ bệnh nhân N.T.C (39 tuổi, trú tại thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào viện trong tình trạng mệt nhiều, đau tức hạ sườn phải nhiều ngày và tăng dần, tiểu buốt rắt, nước tiểu màu hồng.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ thận phải, suy thận cấp do sỏi niệu quản phải 1/3 trên/đái tháo đường tuýp 2, thiếu máu.
Nhận thấy chị C. có tình trạng bệnh lý nặng kèm nhiều bệnh phối hợp, tiên lượng diễn biến phức tạp cần được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực nên các bác sĩ bệnh viện đã cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh, cân bằng dịch điện giải, hồi sức, ổn định tình trạng sốc nhiễm khuẩn
Tuy nhiên, cần phải xử trí sỏi niệu quản cho người bệnh, tránh tránh tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng và suy thận nặng lên.
Nhận thấy bệnh nhân thiếu máu nặng cần phải truyền trước phẫu thuật mới đảm bảo cho ca mổ nhưng nhóm máu A tại trung tâm đã hết nên Ban Giám đốc trung tâm đã huy động nguồn máu từ ngân hàng máu sống.
Ngay lập tức bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy-Trưởng khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên) đã tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân.
Sau khi được truyền máu, tình trạng chị C. được cải thiện, Ban Giám đốc và các chuyên khoa tiến hành hội chẩn, chỉ định can thiệp phẫu thuật lấy sỏi niệu quản phải, đặt sonde JJ.
Kíp phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy-Trưởng khoa Ngoại (người vừa hiến máu cứu bệnh nhân) và bác sĩ Lâm Văn Phương cùng bác sĩ Gây mê hồi sức.
Quá trình thực hiện phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy tổ chức quanh thận phải, niệu quản phải của bệnh nhân bị viêm, thâm nhiễm nặng và nhiều tổ chức mủn. Khi rạch niệu quản phải vị trí nghi sỏi, thấy nhiều mủ trắng chảy ra, có sỏi niệu quản. Theo đó, kíp phẫu thuật hút dịch mủ, lấy ra 1 viên sỏi rắn (kích thước 6x7 mm), bơm rửa bể thận, đặt sonde JJ, cầm máu kĩ vùng mổ và kết thúc phẫu thuật thành công, an toàn.
Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được điều trị tích cực, kháng sinh, giảm viêm, dinh dưỡng, truyền thêm 3 đơn vị máu và chăm sóc, theo dõi sonde dẫn lưu hàng ngày.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã dần cải thiện và ổn định.
Ứ mủ thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của sỏi niệu quản. Trường hợp không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đe dọa tử vong hoặc gây ra suy đa cơ quan cho người bệnh. Việc xử trí nhanh, hồi sức sớm, kháng sinh đúng, truyền máu kịp thời và dẫn lưu tắc nghẽn là chìa khóa thành công trong điều trị.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến khám ngay khi có những triệu chứng bất thường để được tư vấn và giải quyết kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Đức Tùy