• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

         Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024 với 2 chủ đề là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”; “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo 1994” được các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực, hiệu quả.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. 

Đối với tỉnh Hưng Yên, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Năm 2023, tỉ lệ tăng dân số là 0,63%. Toàn tỉnh đạt mức sinh thay thế. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 75,5 tuổi. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 8,8% theo cân nặng và 17,8% theo chiều cao; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi còn 2,37%0.  Năm 2023, không có bà mẹ tử vong trong thời gian thai sản. Tỉ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt kế hoạch. Dân số đã có sự phân bố hợp lý, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dịch vụ dân số và KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Ngoài ra, nhiều mô hình được triển khai thực hiện hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3 trở lên, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, câu lạc bộ gia đình trẻ, người cao tuổi giúp người cao tuổi, thí điểm dự án ICOPE chăm sóc sức khỏe tích hợp cho người cao tuổi; triển khai các hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...

Vận động người dân thực hiện chính sách dân số

Tuy nhiên, Hưng Yên còn phải đối mặt với một số thách thức trong công tác dân số đó là, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, tuổi thọ tăng nhưng người già mắc bệnh tật kép... 

Để công tác dân số tiếp tục đạt được chỉ tiêu đề ra, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tiếp tục bám sát, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân số trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, tại các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với các Trung tâm Văn hóa và truyền thanh của huyện và các ngành, đoàn thể triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép nhằm tác động tích cực, có hiệu quả việc thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái, sức khỏe sinh sản VTN-TN, nam nữ sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ...

Ông Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, trước hết sẽ mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm từ dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển... Tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, duy trì tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%, giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi đẻ 2 hoặc 1 con). Khống chế, đưa tỉ số giới tính khi sinh tiếp cận mức cân bằng tự nhiên; tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Tăng cường tuyên truyền, vận động để thanh niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao thực hiện việc tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; mọi trẻ sinh ra đều được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh. Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, an toàn và hiệu quả, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và KHHGĐ, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?