TTƯT.TS.DSCKII Trần Tựu cống hiến suốt đời cho ngành dược
Tính tới tháng 5 năm 2024, Thầy thốc ưu tú, Tiến sĩ, Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu đã cống hiến suốt 53 năm ròng rã xây dựng, cải tiến, phát triển ngành dược Việt Nam.
Trần Tựu sinh ra ở Bình Lục (Hà Nam). Nhà Trần Tựu có 6 anh chị em, và khi cậu lên 6 tuổi thì cha bệnh rất nặng. Thời chiến tranh ác liệt, thuốc men chẳng có, bệnh xá cũng không, cha cậu ho dai dẳng rồi qua đời. Mẹ cậu đã khóc, tiếng khóc xé lòng trong đêm. Trần Tựu khi ấy không chỉ đau đớn, mà trong lòng luôn dày vò bởi câu hỏi lớn "Tại sao cha mình chết?" Cậu tự hỏi rồi lại tự trả lời "Cha chết vì không có thuốc." Và từ đó, trong tâm trí cậu đã hình thành động lực tìm thuốc cứu người.
Năm 1966, chàng trai trẻ Trần Tựu nhập học trường Đại học Dược Hà Nội. Đó là những năm cả nước gồng mình trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, anh lập tức tình nguyện đi chiến trường Miền Nam, được cử đến phục vụ tại các đơn vị thuộc Ban Y tế Trung ương Cục Miền Nam. Những lần sốt rét rừng, mưa và lũ rừng, lạc đồng đội trên đường hành quân, nguy hiểm rình rập với thú dữ, quân biệt kích đã tôi luyện người Dược sĩ trẻ.
Năm 1973, Trần Tựu nhận nhiệm vụ Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Ban Đón Tiếp với nhiệm vụ tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền và thuốc tiêm để cung cấp cho Bệnh viện và các Trạm Y tế. Trong lúc cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, anh đã có những sáng kiến mới cùng các đồng nghiệp tạo ra các dụng cụ để pha chế, sản xuất như: cải tiến thiết bị cất nước pha tiêm, xây dựng phòng pha chế dịch truyền, thuốc tiêm bằng các vật liệu hiện có tại địa phương trong chiến trường, sử dụng các loại chai penixilin đem rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin… Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm… đều từ cây khô trong rừng.
Giai đoạn 10 năm sau giải phóng, Ds. Trần Tựu được UBND thành phố bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9. Trước những khó khăn do cấm vận, thiếu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, Dược sĩ Trần Tựu đã đưa ra chủ trương thúc đẩy nghiên cứu nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất thuốc. Nhiều loại thuốc thông dụng rất cần thiết cho nhân dân đã được nghiên cứu, sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước. Đáng kinh ngạc nhất là việc anh đã quyết tâm nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất Cao Sao vàng, căn bản là cơ giới hóa hai công đoạn xử lý tá dược, pha chế và chiết rót. Sự cải tiến này đã khiến năng suất tăng 300% so với cách chiết rót thủ công. Nhờ thành tích này, Dược sĩ Trần Tựu đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
10 năm tiếp theo, từ 1985-1995, giai đoạn công cuộc đổi mới, ông Trần Tựu được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Tp. HCM. Ông đã nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp lại cơ sở vật chất của các đơn vị, tiến hành điều chuyển các cơ sở bao gồm nhà xưởng của một số đơn vị chưa khai thác hoạt động hiệu quả cho các đơn vị có tiềm năng nhưng thiếu cơ sở vật chất, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn Liên hiệp. Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Tp. HCM cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn dược liệu, nguyên liệu trong nước, tạo ra nhiều nhóm dược phẩm mới phong phú, góp phần giải quyết khó khăn về thuốc tại Tp. HCM và các tỉnh trong khu vực.
Từ năm 1995 - 2005, ông Trần Tựu được điều động về Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế). Ông đã xây dựng thành công Đề án chuyển Liên hiệp các Xí nghiệp thành Tổng Công ty Dược Việt Nam với cơ cấu, tổ chức, hoạt động phù hợp, hiệu quả. Hoạt động SXKD của Tổng Công ty Dược giai đoạn 1995-2005 đã có bước phát triển mạnh với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, góp phần cùng ngành Dược cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho phòng và chữa bệnh, trong đó gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước.
Ngay sau khi nghỉ nhiệm vụ tại Tổng Công ty Dược Việt Nam, tháng 8 năm 2005 Dược sĩ Trần Tựu đã bắt tay xây dựng doanh nghiệp SaVipharm – sản xuất, cung ứng thuốc chuẩn mực cao. Qua hơn 18 năm phát triển, SaVipharm đã trở thành doanh nghiệp Dược có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, là một trong số ít doanh nghiệp dược đạt cả hai tiêu chuẩn cao GMP Nhật Bản, GMP châu Âu, và được Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tiên trong lĩnh vực dược phẩm của thành phố. SaVipharm đã nghiên cứu thành công, đưa ra thị trường trên 300 sản phẩm, thuộc 12 nhóm thuốc chất lượng cao, mang thương hiệu Việt. SaVipharm cũng đã 2 lần đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt (2015-2024) do Bộ Y tế trao tặng.
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu và SaVipharm cũng luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Riêng năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành, Savipharm đã tài trợ tổng cộng hơn 5,3 tỷ đồng cho ngành Y tế Tp. HCM để chống dịch. Năm 2021, SaVipharm tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trung ương, Tp. HCM và các địa phương với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng gồm thuốc và tài trợ Quỹ vaccine…
Thời gian tiếp theo, Công ty tiếp tục các chương trình thiện nguyện đền ơn đáp nghĩa cũng như tài trợ tủ thuốc tới các trường nghèo, đồng hành cùng các bệnh viện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng khó khăn… Trần Tựu chính là một tấm gương sáng cho lớp lớp những người làm trong ngành y tế, phấn đấu suốt đời làm việc, sáng tạo, phụng sự sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV