Gương sáng tại bệnh viện Tâm thần kinh
Có thể với nhiều người, nhắc đến Bệnh viện Tâm thần là e ngại, là sợ hãi, nhưng với đội ngũ y, bác sĩ công tác tại đây, ai cũng luôn tận tụy, hết lòng và đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đang làm một việc mà ít ai dám làm, đó là gieo hy vọng, tạo niềm tin về một cuộc sống bình thường cho những người đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Thảo– phụ trách khoa dinh dưỡng tại bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên đã gắn bó với nghề hơn 18 năm là một người tận tâm như thế. Từ một cô sinh viên mới ra trường rụt rè, lo sợ, chị Thảo đã dần thương cảm trước những mảnh đời của người bệnh. Và giờ đây, chị Thảo đã trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Nói về công việc hiện tại của bản thân, chị Thảo chia sẻ: Chị phụ trách khoa dinh dưỡng từ tháng 7/2016 đến nay, công việc chủ yếu của chị là tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; Xây dựng, triển khai quy trình kỹ thuật chuyên môn về dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện; Tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh; Tổ chức xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh điều trị nội trú trong bệnh viện; Phối hợp với các khoa lâm sàng chỉ định chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, người bệnh được phân cấp chăm sóc cấp I; Quản lý thực phẩm, chế biến, cung cấp chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh tại giường bệnh. Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong bệnh viện; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động dinh dưỡng tại các khoa lâm sàng và trong bệnh viện; Đầu mối xây dựng tài liệu tư vấn, truyền thông về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người bệnh, người nhà người bệnh và các đối tượng khác trong bệnh viện; Thực hiện hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong điều trị, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe;…
Từ sự đồng cảm, thấu hiểu bệnh nhân, chị Thảo xác định không chỉ nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mà còn cố gắng rèn luyện sự kiên nhẫn, điềm tĩnh khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi, bệnh nhân nơi đây không phải mắc các bệnh cấp cứu, viêm nhiễm cấp tính mà họ mắc bệnh từ tâm. Do đó, trong quá trình xây dựng thực đơn, tiến hànhtư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng chị sẽ chú ý tới từng người bệnh để đảm bảo có những thực phẩm tốt nhất, an toàn nhất, chế độ chăm sóc về bữa ăn, giấc ngủ, luyện tập phù hợp nhất với từng người; Điều này sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy tin tưởng, an toàn và thoải mái hơn khi tiếp xúc với các y, bác sĩ trong bệnh viện.
Chị Thảo chia sẻ: Bệnh nhân ở đây chủ yếu là những người bị tâm bệnh, nhiều người ở đây không có người thân, không đủ tỉnh táo để thực hiện các việc sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp có người thân nhưng chỉ là đại diện về mặt pháp luật chứ không đủ sức để hỗ trợ bệnh nhân do người chăm sóc cũng tuổi cao, họ thường xuyên không ý thức được về hành vi của bản thân như không ăn, không uống, bỏ ăn, tìm đủ mọi lý do để không phải ăn,… Do đó, chúng tôi thường xuyên phải kiên nhẫn dỗ dành để bệnh nhân chịu khó ăn, ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ, đảm bảo sức khỏe cho việc điều trị. Chúng tôi xác định công tác tại Bệnh viện Tâm thần, dù trong hoàn cảnh nào cũngcần rèn luyện “tinh thần thép”, không nổi nóng, không cáu gắt, luôn nhẹ nhàng, ân cần với người bệnh.
Chị Thảo cho biết: Hiện có 93 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện, chính vì thế dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong chu trình điều trị bệnh, bởi việc ăn uống có tác động cụ thể đến nguyên nhân gây bệnh, cơ chế điều hòa, khả năng phản ứng và bảo vệ cơ thể. Khoa Dinh dưỡng đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh và gia đình người bệnh, thực hiện chế độ ăn, tầm soát đánh giá dinh dưỡng tất cả bệnh nhân nội trú; hội chẩn dinh dưỡng bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng ở các khoa,…Theo chị Thảo, dinh dưỡng rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là đối với người bệnh. Nếu thực hiện tốt can thiệp dinh dưỡng sẽ giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý đi kèm theo, giúp người bệnh mau phục hồi bệnh lý, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ…
Chị Ngọc, điều dưỡng viên khoa Tâm thần nữ, bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên chia sẻ: “Mấy năm được làm việc cùng với chị Thảo, chị lúc nào cũng hết lòng với người bệnh, nhiệt tình và chân thành với mọi người. Bên cạnh đó, chị luôn lắng nghe và chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình công tác của bản thân với anh em trong khoa, trong bệnh viện”. Có chuyên môn vững vàng cộng thêm sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, từ năm 2014 đến nay, chị Thảo đều đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng giấy khen của Sở Y tế, tính riêng năm 2018-2019-2023 được tặng bằng khen của UBND tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh. Những “từ mẫu” như chị Thảo và nhiều tấm gương sáng ngành y là động lực giúp bệnh nhân tâm thần và gia đình có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật hòa nhập với cộng đồng.