Vì sao cần sàng lọc trước sinh, ai nên sàng lọc?
Sàng lọc trước sinh là tập hợp các phương pháp kiểm tra, và xét nghiệm trong suốt thời gian mang thai để biết được tình trạng sức khỏe chính xác của thai nhi. Mục đích cụ thể của việc sàng lọc trước sinh là để xác định xem thai nhi có nguy cơ mắc phải những dị tật bẩm sinh hay không.
Sàng lọc trước sinh vào thời điểm nào để có kết quả chính xác?
Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong thời kỳ mang thai, nhưng phần lớn là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi các bộ phận cơ thể của thai nhi đang hình thành. Dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, dị tật bẩm sinh hoàn toàn có thể chẩn đoán, phát hiện và sàng lọc sớm ngay từ những tháng đầu của thai kỳ thông qua các phương pháp sàng lọc trước sinh.
Theo BS. Nguyễn Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, sàng lọc trước sinh là tập hợp các phương pháp kiểm tra, và xét nghiệm trong suốt thời gian mang thai để biết được tình trạng sức khỏe chính xác của thai nhi. Mục đích cụ thể của việc sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm dị tật bẩm sinh cho thai nhi, giúp thai phụ có thể phát hiện các bệnh lý, để sinh con khỏe mạnh bình thường. Ngoài ra còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi, giảm gánh nặng bệnh tật về sau.
Vậy sàng lọc trước sinh vào thời điểm nào để có kết quả chính xác?
Sàng lọc trước sinh giai đoạn đầu thai kỳ
Vào giai đoạn đầu của thai kỳ bạn nên sàng lọc trước sinh, thực hiện các xét nghiệm và siêu âm để chẩn đoán dị tật. Giai đoạn đầu này bạn nên đi thực hiện sàng lọc từ tuần 11 đến tuần 13 sẽ mang lại kết quả chính xác nhất.
Sàng lọc giai đoạn trước sinh vào giai đoạn đầu của thai kỳ với mục đích:
Siêu âm hình thái của thai nhi như đo kích thước của khoảng sau gáy, đo độ mờ da gáy nhằm phát hiện xem thai nhi có mắc bệnh Down, hay một số bệnh lý khác.
Xét nghiệm máu mẹ như xét nghiệm máu thường quy, xét nghiệm Double test.
Sinh thiết gai rau để chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ bất thường cũng như tiền sử bệnh của bản thân hoặc gia đình.
Sàng lọc giai đoạn đầu nên thực hiện từ tuần 11 đến tuần 13.
Sàng lọc trước sinh vào giai đoạn giữa thai kỳ
Sàng lọc trước sinh giai đoạn giữa thai kỳ cũng rất quan trọng, giúp phát hiện các bất thường về hình thái và cấu trúc cơ quan của của thai nhi như: các bất thường về hệ thần kinh, các bất thường về hệ thần kinh tim mạch, các dị tật của dạ dày - ruột, các dị tật về hệ sinh dục, các dị tật về hệ cơ xương. Đồng thời xét nghiệm nước ối và xét nghiệm máu mẹ để kịp thời phát hiện các bất thường về nhiễm sắc thể.
Nên sàng lọc vào tuần thứ 16 đến tuần 18 của thai kỳ.
Sàng lọc trước sinh vào giai đoạn cuối thai kỳ
Trước khi sinh, thai phụ vẫn cần làm một số xét nghiệm để đảm bảo cho quá trình sinh đẻ diễn ra được thuận lợi. Sàng lọc giai đoạn cuối thai kỳ chủ yếu là sàng lọc các vi khuẩn, virus ở âm đạo.
Nên thực hiện từ tuần 22 đến tuần 26 của thai kỳ.
Những ai cần thực hiện khám sàng lọc trước sinh?
Mọi phụ nữ mang thai đều nên tham gia xét nghiệm sàng lọc trước sinh để có thể phát hiện một cách sớm nhất những bất thường của thai nhi. Đặc biệt đối với các thai phụ có tiền sử sau thì việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh càng nên thực hiện:
- Thai phụ sảy thai hay thai chết lưu trong những lần mang thai trước.
- Tiền sử có con bị dị tật bẩm sinh và các rối loạn di truyền bệnh Down...
- Gia đình có người thân mắc các dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền.
- Bà mẹ thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia xạ...
- Thai phụ lớn tuổi (> 35 tuổi).
Phương Lan