Người bệnh đái tháo đường nên chọn loại bánh mì nào?
Bánh mì là thực phẩm phổ biến, tiện dụng, tuy nhiên nhiều người đái tháo đường kiêng hoàn toàn bánh mì vì lo sợ tăng đường huyết. Điều này có đúng không và người đái tháo đường cần lưu ý gì khi ăn bánh mì?
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát mức tiêu thụ carbohydrate để duy trì ổn định đường huyết. Tuy nhiên, bánh mì lại là thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, đặc biệt là bánh mì trắng. Vậy người bệnh đái tháo đường nên chọn loại bánh mì nào?
1. Vì sao người bệnh đái tháo đường nên hạn chế bánh mì trắng?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, các bác sĩ thường khuyên người bệnh cần kiểm soát mức tiêu thụ carbohydrate để duy trì ổn định lượng đường trong máu.
Carbohydrate bao gồm: tinh bột, đường và chất xơ. Khi tiêu thụ carbohydrate, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate thành glucose. Carbohydrate có loại đơn giản và phức tạp.
Carbohydrate đơn giản: Loại carbs này được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn carbohydrate phức tạp. Carbohydrate đơn giản có trong các sản phẩm sữa, đường ăn, bánh, kẹo, nước ngọt, xirô, gạo trắng, bánh ngọt, bánh mì trắng... Khi tiêu thụ carbohydrate đơn giản được hấp thu nhanh hơn, làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
Carbohydrate phức tạp: Cung cấp năng lượng bền vững, duy trì ổn định lượng đường trong máu. Carbohydrate phức tạp có trong các loại đậu, khoai, ngô, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám.
Đó là lý do người bệnh đái tháo đường cần hạn chế hoặc tránh các thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate đơn giản, ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, các loại bánh ngọt, bánh mì trắng… Vì những thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, khi ăn vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa hấp thu rất nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường, cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường là người bệnh gặp vấn đề trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin khiến cơ thể không thể sử dụng được glucose làm cho glucose tăng cao trong máu. Vì thế, để kiểm soát lượng đường trong máu thì bên cạnh dùng thuốc, người bệnh phải chú ý đến việc lựa chọn cũng như tiêu thụ thức ăn dạng tinh bột một cách hợp lý.
Về nguyên tắc ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào (vì carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu), nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Trong số các loại tinh bột tốt làm tăng đường huyết ít và từ từ, đồng thời có giá trị dinh dưỡng cao có ngũ cốc nguyên hạt, bao gồm: gạo lứt, yến mạch, lúa mì, lúa mạch nguyên chất…
2. Loại bánh mì nào phù hợp cho người bệnh đái tháo đường?
Bánh mì nguyên cám
Khác với ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt, bao gồm các thực phẩm như: cám, gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mạch, sản phẩm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám… có nhiều lợi ích cho sức khỏe vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Bánh mì nguyên cám được làm từ bột mì nguyên cám, nó vẫn giữ lại được lớp vỏ cám và mầm của hạt lúa mì nên rất giàu dưỡng chất như chất xơ, vi chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Bánh mì nguyên cám không chỉ có thành phần là lúa mì nguyên hạt mà còn được làm từ lúa mạch đen, yến mạch...
Trong 100g bột mì nguyên cám chỉ chứa 340 calo và khoảng 4% đường, chứa carbohydrate tốt, không làm tăng đột biến đường trong máu nên phù hợp cho người bệnh đái tháo đường.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị người bệnh đái tháo đường nên chọn bánh mì nguyên cám thay cho bánh mì trắng. Vì bánh mì trắng được làm từ bột mì trắng đã qua chế biến kỹ, thường có thêm đường và sữa.
Bánh mì ngũ cốc nảy mầm
Bánh mì ngũ cốc nảy mầm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt ngâm trong nước cho nảy mầm. Sau đó, mầm được để ráo nước và nghiền nhỏ để làm nguyên liệu làm bánh mì. Quá trình nảy mầm phá vỡ carbohydrate và protein trong hạt, giúp cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
Nghiên cứu cho thấy, việc nảy mầm làm tăng nồng độ chất xơ thô. Bánh mì làm từ lúa mì nảy mầm cũng thường chứa hàm lượng protein, vitamin C và B cao hơn.
Quá trình nảy mầm của ngũ cốc sẽ vô hiệu hóa các chất ức chế enzyme cũng như lượng đường có thể gây lên men và tạo khí trong ruột. Do đó, nhiều người có thể bị đầy hơi và chướng bụng khi ăn bánh mì thông thường nhưng không có phản ứng tương tự khi ăn bánh mì làm từ ngũ cốc nảy mầm.
Thu Phương