Làm thế nào để biết cơ thể đã nhận đủ vitamin D?
Vitamin D là một chất dinh dưỡng rất quan trọng cho cơ thể, nhưng hầu hết mọi người đều thiếu hụt chất này. Vậy làm sao có thể biết cơ thể đã nhận đủ vitamin D hay chưa?
Vai trò của vitamin D
Vitamin D là một trong những loại vitamin quan trọng với cơ thể. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, một trong những thành phần chính giúp hình thành xương, giúp xương và răng chắc khỏe.
Đồng thời vitamin D cũng đóng vai trò trong sản xuất insulin và chức năng miễn dịch, hệ thống thần kinh, cơ, thậm chí có thể phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính và ung thư.
Vì sao bạn có thể thiếu vitamin D?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn thiếu vitamin D:
Chế độ ăn uống không đủ; Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; Sử dụng kem chống nắng; Màu da sẫm; Tuổi tác; Môi trường sống, ô nhiễm không khí…
Vitamin D có ở đâu?
- Vitamin D có ở các thực phẩm tự nhiên: Nấm, trứng, cá hồi, cá trích, cá mòi, sò, tôm, thịt bò…
- Thực phẩm tăng cường: Vitamin D được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống có chứa canxi như sữa chua, ngũ cốc, nước cam.
- Ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời là một nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời, nhưng rất khó để định lượng lượng vitamin D mà cơ thể nhận được khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra nguy cơ ung thư da có thể cao hơn lợi ích.
- Các chất bổ sung chứa vitamin D.
Thiếu vitamin D có thể gây mệt mỏi, đau lưng, mất xương, loãng xương, chậm lành vết thương, trầm cảm…
Bao nhiêu vitamin D là đủ?
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên bổ sung vitamin D hàng ngày:
- Sơ sinh đến 12 tháng: 10 microgam (mcg) hoặc 400 đơn vị quốc tế (IU).
- Từ 1-70 tuổi: 15 mcg (600 IU).
- 71 tuổi trở lên: 20 mcg (800 IU).
Người lớn tuổi cần nhiều vitamin D hơn vì khi cơ thể già đi, dành ít thời gian ở ngoài trời hơn, da không sản xuất vitamin D và không nhận đủ vitamin D,
Lượng vitamin D mỗi ngày thế nào là quá nhiều?
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, nên có thể tích tụ trong cơ thể và được chuyển hóa trong thời gian dài. Lượng vitamin D mỗi ngày là nhiều cho cơ thể khi:
- Sơ sinh đến 6 tháng: 25 mcg (1.000 IU).
- Trẻ từ 7-12 tháng: 38 mcg (1.500 IU).
- Trẻ từ1-3 tuổi: 63 mcg (2.500 IU).
- Trẻ từ 4-8 tuổi: 75 mcg (3.000 IU).
- Trẻ từ 9 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: 100 mcg (4.000 IU).
Nếu dùng quá liều các chất bổ sung trên 4.000 IU/ngày có thể gây nhiễm độc do thừa vitamin D, làm tăng canxi huyết. Đồng thời gây đau đầu, chóng mặt, khô miệng, chán ăn, táo bón, chuột rút, đau xương, cơ, buồn nôn, thậm chí có trường hợp bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tổn thương thận, biến chứng tại mắt, giảm khả năng tình dục, khó thở co giật…
Làm thế nào biết cơ thể đã đủ lượng vitamin D?
Có thể xét nghiệm máu để để biết liệu mình đã nhận đủ vitamin D hay chưa. Các chuyên gia cho hay, sử dụng xét nghiệm định lượng nồng độ vitamin D trong máu là ước tính tốt nhất về mức độ đầy đủ tính đến lượng ăn vào và ánh nắng mặt trời.
Có nhiều quan điểm về mức vitamin D trong máu bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên, xét nghiệm định lượng 25-hydroxyvitamin D là thông số tốt nhất để thể hiện tình trạng thừa hay thiếu vitamin này trong cơ thể.
Các chuyên gia khuyến nghị mức vitamin D trong máu tối thiểu là 30 nanogram/ml.
Vitamin D có nhiều trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, ăn chế độ ăn lành mạnh, đủ chất là bạn có thể nhận đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu lo ngại thiếu vitamin D, nên tham khảo ý kiến chuyên gia. Chỉ dùng chế phẩm bổ sung vitamin D khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Đỗ Huế T.H