• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VNVC và Sanofi ký kết tiến tới hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam

Hệ thống trung tâm tiêm chủng lớn của Việt Nam - VNVC và Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) vừa ký kết biên bản định hướng về việc hợp tác sản xuất một số vắc xin của Sanofi tại nhà máy của VNVC ở Việt Nam.

Lễ ký kết diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Pháp của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm với những định hướng mạnh mẽ về việc nâng cao hợp tác giữa hai quốc gia trong khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo về thương mại, đầu tư.

Theo bản định hướng hợp tác, Sanofi sẽ chia sẻ kiến thức và chuyên môn rộng rãi về công nghệ sinh học với VNVC để tạo điều kiện cho việc dần đưa vào sản xuất các vắc xin thiết yếu tại nhà máy của VNVC ngay tại Việt Nam. Sự kiện này được kỳ vọng không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin dễ dàng hơn cho người dân Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo nguồn cung vắc xin ổn định, góp phần chăm sóc sức khoẻ tốt cho người dân.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, ông Đinh Toàn Thắng cũng đánh giá thảo luận hợp tác của VNVC và Sanofi là sự tiếp nối chủ trương nâng tầm hợp tác của Việt Nam và Pháp, cụ thể là hướng đến hợp tác sản xuất vắc xin giữa hai doanh nghiệp lớn của hai nước. Hợp tác y tế giữa hai quốc gia cũng luôn được lãnh đạo cấp cao và các nhà chuyên môn, hoạch định chính sách của hai phía chú trọng từ xưa đến nay.

VNVC và Sanofi ký kết tiến tới hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC và ông Stephane Liceras, Giám đốc vận hành Kinh doanh quốc tế, Tập đoàn dược phẩm Sanofi ký kết bản định hướng hợp tác hướng đến sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Có mặt tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp, chuyên gia về vắc xin cho biết đây là sự kiện đáng ghi nhớ trong lĩnh vực sản xuất vắc xin của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ký kết hướng đến hợp tác về chuyển giao kỹ thuật với tập đoàn hàng đầu thế giới như Sanofi để sản xuất các vắc xin quan trọng ngay tại Việt Nam. Điều này thể hiện Việt Nam đang vươn lên làm chủ kỹ thuật cao trong sản xuất vaccine, không chỉ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Ông Burak Pekmezci, Giám đốc Quốc gia Sanofi Việt Nam, cho biết Sanofi là một trong những nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới, với hơn nửa tỷ người trên toàn cầu đã tin dùng sản phẩm của hãng mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, trong năm 2023, Sanofi đã cung cấp hơn bảy triệu liều vắc xin chất lượng cao.

"Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất vắc xin, Sanofi mong muốn được chia sẻ kiến thức và đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế cũng như nâng cao sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam", ông Burak Pekmezci bày tỏ.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết sắp tới VNVC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin và sinh phẩm với công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn EU - GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) tại tỉnh Long An. VNVC chú trọng hợp tác đầu tiên với Sanofi nhằm tiến tới sản xuất một số loại vắc xin và thuốc sinh học quan trọng, từ đó chủ động cung ứng cho Việt Nam.

VNVC và Sanofi ký kết tiến tới hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam- Ảnh 2.

Lễ ký kết biên bản định hướng hợp tác của VNVC và Sanofi với sự chứng kiến của Bộ Y tế Việt Nam, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp và đại biểu các bên.

Ông Ngô Chí Dũng kỳ vọng hợp tác giữa hệ thống tiêm chủng hàng đầu Việt Nam và tập đoàn dược phẩm Sanofi sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất vắc xin chất lượng cao của Việt Nam.

Theo ông Ngô Chí Dũng, Việt Nam hiện đã sản xuất một số loại vắc xin bằng công nghệ khá đơn giản, chủ yếu phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong khi đó nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh của trẻ em và người lớn ngày càng tăng cao.

Trong 8 năm qua, VNVC đã nỗ lực để đàm phán, nhập khẩu số lượng lớn các loại vắc xin quan trọng, vắc xin thế hệ mới. Tuy nhiên, hoạt động này phụ thuộc vào các nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển và tốn nhiều thủ tục, thời gian cũng như chi phí. Chưa kể, nhiều loại vắc xin quan trọng khác hiện nay đang được phân bổ cho các quốc gia có dịch bệnh hoặc thị trường ưu tiên.

Do đó, việc nỗ lực để tham gia các chuỗi sản xuất của các hãng vắc xin là chiến lược quan trọng để sản xuất vắc xin chủ động, hạn chế việc thiếu hụt vắc xin, đồng thời giúp Việt Nam chủ động trong các chiến lược phòng chống dịch.

"Chúng ta rất cần nâng cao và làm chủ các công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại, theo tiêu chuẩn mới của quốc tế và mở rộng mạnh mẽ năng lực sản xuất để nhanh chóng sản xuất vắc xin chất lượng cao "made in Vietnam", qua đó đáp ứng nhu cầu của tiêm chủng vắc xin ngày càng tăng của người dân trong bối cảnh mới", ông Ngô Chí Dũng khẳng định.

VNVC và Sanofi ký kết tiến tới hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam- Ảnh 3.

Trẻ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại VNVC.

Là đối tác chiến lược toàn diện với Sanofi và nhiều hãng dược phẩm hàng đầu, từ khi thành lập đến nay, VNVC đã đàm phán nhập về số lượng lớn vắc xin và cùng với các nhà sản xuất đưa về Việt Nam 14 loại vắc xin mới để triển khai tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em và người lớn. Hiện VNVC đang triển khai tiêm 10 loại vắc xin của Sanofi gồm: 6 trong 1 Hexaxim, 5 trong 1 Pentaxim, 4 trong 1 Tetraxim, 3 trong 1 ngừa bạch hầu ho gà uốn ván Adacel, viêm não Nhật Bản Imojev, dại Verorab, viêm màng não do não mô cầu Menactra, viêm gan A Avaxim, cúm tứ giá Vaxigrip Tetra, thương hàn Typhim VI.

Theo kế hoạch, VNVC sẽ đàm phán để từng bước tham gia sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ của một số loại vắc xin trong danh mục này của Sanofi.

Doanh nghiệp tự giới thiệu


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?