Ghép tế bào gốc đồng loại: Những điều cần biết
Ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho cùng huyết thống hay không cùng huyết thống phù hợp hệ kháng nguyên bạch cầu HLA. Vậy những ai phù hợp với phương pháp này? Ưu nhược điểm là gì? Kỹ thuật được triển khai ra sao? Người bệnh cần lưu ý gì khi điều trị bằng phương pháp này?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu đã chia sẻ, làm rõ vấn đề này.
- Xin bác sĩ cho biết kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại là gì?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại là quy trình cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng phù hợp dựa trên mức độ hòa hợp HLA (Human Leukocyte Antigen), không phải là từ bản thân bệnh nhân.
Tế bào gốc được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn của người hiến tặng và được truyền vào cơ thể bệnh nhân để thay thế tế bào gốc bị tổn thương hoặc bị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tế bào gốc từ máu ngoại vi được sử dụng nhiều hơn từ tủy xương. Bên cạnh đó có thể sử dụng tế bào gốc máu dây rốn.
- Bác sĩ có thể cho biết bệnh nhân nào phù hợp với kỹ thuật này?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Người bệnh mắc các bệnh lý ung thư như lơ xê mi cấp, u lympho hoặc đa u tủy xương; Người bệnh có các rối loạn tủy xương nghiêm trọng như bệnh rối loạn sinh tủy, suy tủy xương,...; Một số người bệnh có các bệnh di truyền nặng cần thay thế tế bào gốc… là những nhóm bệnh nhân có thể phù hợp với phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại.
- Vậy những bệnh nhân nào không phù hợp với kỹ thuật này, thưa bác sĩ?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Bệnh có chỉ định ghép đồng loại nhưng người bệnh có tình trạng sức khỏe tổng quát quá yếu hoặc có các bệnh lý đồng mắc nghiêm trọng. Những người bệnh không thể tìm được người hiến tặng phù hợp về nhóm kháng nguyên HLA. Người bệnh không tuân thủ được chế độ điều trị hoặc theo dõi sau ghép.
- Bác sĩ có thể chia sẻ ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật này?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Trước hết, về ưu điểm ó thể điều trị các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư máu, rối loạn sinh tủy, suy tủy xương,…và một số rối loạn di truyền; Cung cấp cơ hội điều trị hiệu quả cho người bệnh khi các phương pháp khác không hiệu quả.
Về nhược điểm: Nguy cơ phản ứng ghép chống chủ (GvHD), nơi tế bào gốc của người hiến tặng tấn công mô của người bệnh.
Có thể gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng, vấn đề về nội tạng hiếm gặp như viêm tắc tĩnh mạch trên gan (VOD) hoặc không mọc mảnh ghép…
- Vậy những bệnh nhân có chỉ định thì sẽ được triển khai những bước gì, thưa bác sĩ?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Quy trình kỹ thuật của ghép tế bào gốc đồng loại gồm 5 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị - Người bệnh cần trải qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng bệnh, xác định phù hợp với người hiến tặng, bao gồm xét nghiệm nhóm máu và kháng nguyên HLA.
Bước 2: Thu thập tế bào gốc - Tế bào gốc được thu thập từ người hiến tặng qua phương pháp lấy từ máu ngoại vi hoặc tủy xương hoặc máu cuống rốn (tùy từng người bệnh).
Bước 3: Tiền ghép (Điều trị chuẩn bị trước ghép) - Người bệnh được điều trị bằng hóa trị liều cao, có thể phối hợp với xạ trị toàn thân để tiêu diệt tế bào gốc bệnh lý trong cơ thể.
Bước 4: Ghép - Tế bào gốc từ người hiến tặng được truyền vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch.
Bước 5: Hồi phục và theo dõi - Người bệnh được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biến chứng và đảm bảo sự hồi phục của tế bào gốc mới.
- Người bệnh và gia đình người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi triển khai kỹ thuật?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe và tìm kiếm người hiến tặng phù hợp. Điều chỉnh về chế độ ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ. Và trên hết, người bệnh nên chuẩn bị tinh thần lạc quan và có sự hỗ trợ từ gia đình.
- Bác sĩ có thể cho người bệnh biết những điều cần lưu ý sau khi ghép?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc trước trong và sau khi ghép tế bào gốc.
Theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể và báo cáo ngay cho bác sĩ, nhất là khi có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao; phản ứng ghép chống chủ như phát ban, loét miệng, tiêu chảy, khô mắt…
Tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Thực hiện các xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm tra sự hoạt động của tế bào gốc mới và phát hiện sớm các biến chứng.
- Cũng có không ít người bệnh băn khoăn phương pháp này có đau không và thời gian thực hiện mất bao nhiêu lâu, thưa bác sĩ?
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng: Quá trình ghép tế bào gốc có thể kéo dài vài ngày, tùy thuộc vào bệnh lý, phương pháp thu thập tế bào gốc và điều trị. Tuy nhiên cần phải theo dõi sát, thời gian dài trong phòng ghép tủy để đảm bảo quá trình mọc mảnh ghép được diễn ra thuận lợi, an toàn. Hiệu quả điều trị của kỹ thuật thường rất cao đối với một số bệnh lý nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống rất tốt nếu không có biến chứng nặng.
Về mức độ đau thì ghép tế bào gốc thường không đau, nhưng người bệnh có thể cảm thấy khó chịu do các tác dụng phụ của hóa trị và thuốc điều trị, nhất là sau ghép trong vòng 2 tuần đầu.
Một số chi phí có thể được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng mức độ chi trả phụ thuộc vào chính sách của từng cơ sở y tế và loại bảo hiểm.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng!
Để biết thêm thông tin và thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân có thể liên hệ với các trung tâm ghép tế bào gốc tại bệnh viện lớn hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Huyết học và Truyền máu đã triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học ác tính và lành tính với trên 10 năm kinh nghiệm, cùng với sự phối hợp chuyên môn đa chuyên khoa như: Hồi sức tích cực, Dinh dưỡng, Dược lâm sàng, Bệnh nhiệt đới, Hô Hấp, Tiêu hoá, Chẩn đoán hình ảnh…
Nếu muốn thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại tại trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhân có thể liên hệ hotline: 086.958.7730 hoặc đến khám tại Phòng 107 tòa nhà B1 để được tư vấn về ghép Tế bào gốc. Các bệnh nhân và người nhà cần thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ và đội ngũ y tế để hiểu rõ về quy trình và chuẩn bị tốt nhất cho việc ghép tế bào gốc.
Diệu Hiền (thực hiện)