Quỹ BHYT thanh toán thế nào cho người đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện?
Người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến huyện không cần giấy chuyển tuyến vẫn được BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi mức hưởng.
Kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn của huyện
Cử tri kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn của huyện (bệnh viện hạng 2) nhằm giảm gây phiền hà cho bệnh nhân.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được quy định rõ ràng tại Luật BHYT. Chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời đảm bảo quản lý Quỹ BHYT một cách hiệu quả.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 01/01/2016, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021, theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi, mức hưởng.
Kiến nghị của cử tri về việc bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với các bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện, tức là cho phép người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện, là một đề xuất có thể giúp giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tỉnh, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ BHYT.
Nghiên cứu, đề xuất xem xét, quyết định mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với xét nghiệm tầm soát đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu
Cử tri kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu…để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm thì điều trị cũng thuận lợi hơn; nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời thì khi điều trị sẽ tốn kém hơn mà BHYT cũng phải chi trả.
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết hiện nay, theo quy định của Luật BHYT, Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng.
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT đối với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của Quỹ BHYT, mức đóng BHYT, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chuyển đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sang nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng?
Cử tri nêu vấn đề hiện nay quy định về nguồn đóng BHYT cho nhóm đối tượng "người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng" có sự bất cập giữa quy định của Luật BHYT và Nghị định hướng dẫn thực hiện (Theo quy định điểm b, khoản 2, điều 12, Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của của Luật BHYT số 25/2008/QH12 thì đối tượng "người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng" thuộc Nhóm do tổ chức BHXH đóng. Tuy nhiên, theo khoản 17, điều 3, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT lại quy định đối tượng này thuộc Nhóm do ngân sách nhà nước đóng).
Vì vậy, để đảm báo tính thống nhất, cử tri kiến nghị sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP theo đúng quy định của Luật BHYT để địa phương phân bổ, quyết toán nguồn đóng đúng quy định.
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 12 của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 25/2008/QH12, quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do tổ chức BHXH đóng.
Tuy nhiên, tại Điều 84 Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014 không quy định Quỹ BHXH đóng BHYT cho nhóm đối tượng này.
Vì vậy, khi xây dựng Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ để thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp và sự thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ chuyển nhóm đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sang nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng này và tuân thủ quy định về áp dụng pháp luật.
Vì vậy, quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp và không trái với pháp luật hiện hành.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện phân bổ dự toán và đóng BHYT cho nhóm đối tượng này theo đúng quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đã dự thảo chuyển đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sang nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng để bảo đảm thống nhất giữa Luật BHYT với các văn bản hướng dẫn thi hành và tránh hiểu sai quy định của pháp luật.
Thái Bình