Nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh trong năm 2024
Ngày 23/11, Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
3/15 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế nỗ lực hoàn thành
Tại Nghị quyết trên nêu lên mục tiêu tổng quát, cụ thể: Tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nghị quyết nêu lên 15 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ; Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Chung tay khống chế kịp thời các dịch bệnh
Một trong các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 tại Nghị quyết đó là, nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, trẻ vị thành niên.
Bảo đảm đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên 90%.
Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng. Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 gắn với xây dựng, ban hành Khung chính sách quốc gia thích ứng, giải quyết vấn đề già hóa dân số…
Lê Bảo