• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thể tiêm vaccine COVID-19 gần với mũi tiêm uốn ván trong thai kỳ không?

Nhiều phụ nữ mang thai băn khoăn tiêm vaccine COVID-19 cùng thời điểm với tiêm vaccine uốn ván liệu có ảnh hưởng gì tính an toàn và hiệu quả của cả hai loại vaccine này không? Bài viết của PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Bệnh viện Phụ sản Trung ương có những thông tin bất ngờ mà nhiều người chưa biết.

1. Có thể tiêm cùng lúc vaccine uốn ván với vaccine phòng COVID-19 không?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai đều cần tiêm phòng uốn ván để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người mẹ và em bé, trong đó có cả nguy cơ gây tử vong.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, các mũi tiêm vaccine khác nhau không cần phải cách nhau ra, có thể tiêm liên tục, tiêm trong ngày. Tuy nhiên, để thận trọng, bạn nên tiêm các mũi cách nhau ít nhất 14 ngày và trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.

Để an toàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ khuyến cáo, tốt nhất phụ nữ mang thai nên để khoảng cách hai tuần sau khi tiêm vaccine COVID-19 rồi mới thực hiện các mũi vaccine khác trong thai kỳ. Hoặc thực hiện các mũi tiêm vaccine khác như mũi tiêm phòng uốn ván trước khi tiêm vaccine COVID-19 hai tuần trước đó.

Có thể tiêm vaccine COVID-19 gần với mũi tiêm uốn ván trong thai kỳ không? - Ảnh 2.

Tiêm phòng uốn ván cho thai phụ là một biện pháp an toàn và hiệu quả.

2. Tại sao thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?

Khi tiêm vaccine uốn ván vào cơ thể người mẹ, sau một thời gian, cơ thể mẹ sẽ sinh ra kháng thể có tác dụng chống uốn ván và kháng thể này sẽ được truyền sang con. Như vậy, cả mẹ và con sẽ được bảo vệ trong trường hợp bị vi trùng uốn ván xâm nhập.

Tiêm phòng uốn ván cho thai phụ là một biện pháp an toàn và hiệu quả đề phòng uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh, uốn ván ở mẹ trong thời gian hậu sản, hạn chế nguy cơ tử vong sơ sinh và bà mẹ.

Các thai phụ nếu chưa tiêm phòng uốn ván, hoặc đã tiêm cách 5 năm cần được tiêm phòng 2 mũi; mũi thứ 2 trước khi sinh ít nhất 1 tháng và cũng phải cách mũi thứ nhất 1 tháng. Trường hợp đã tiêm dưới 5 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi và trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

3. Tiêm phòng uốn ván làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19?

Có thể tiêm vaccine COVID-19 gần với mũi tiêm uốn ván trong thai kỳ không? - Ảnh 4.

Những người đã được tiêm nhắc lại uốn ván giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng.

Theo một nghiên cứu mới đây do các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ nữ tại Brigham, Mỹ thực hiện, vaccine phòng Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) được tiêm trong thời trẻ và vaccine phòng Uốn ván - Bạch hầu - Ho gà (Tdap) được tiêm nhắc lại 10 năm một lần có thể làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 nghiêm trọng.

Các vaccine này khi vào cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh và lâu dài thông qua việc tạo ra các tế bào lympho T nhớ (là một loại lympho T có khả năng ghi nhớ được kháng nguyên đã từng tiếp xúc để khi nhiễm virus corona sẽ huy động hệ miễn dịch) và tế bào B (cũng là một loại tế bào lympho, đóng vai trò miễn dịch dịch thể, bằng cách tạo ra các kháng thể Ig), các kháng thể này sẽ phản ứng với virus corona để bảo vệ cơ thể.

Nghiên cứu được thực hiện bằng thu thập dữ liệu từ hơn 75.000 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 8/3/2020 - 31/3/2021. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các phân tích trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng các kỹ thuật có độ nhạy cao để phát hiện các phản ứng của tế bào T với kháng nguyên.

Họ áp dụng các kỹ thuật này để đo lường phản ứng của các tế bào T được phân lập từ máu của bệnh nhân điều trị COVID-19 và những người được tiêm vaccine phòng bệnh với kháng nguyên từ SARS-CoV-2 cũng như vaccine MMR và Tdap.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những bệnh nhân đã được tiêm vaccine MMR trước đó giảm 38% số lần nhập viện và giảm 32% tỷ lệ nhập viện/tử vong trong khu hồi sức tích cực. Tương tự, những bệnh nhân đã từng được tiêm vaccine Tdap trước đây có tỷ lệ giảm lần lượt là 23% và 20% trong số các bệnh nhân này.

Kết quả phân tích của Ngân hàng sinh học Biobank của Anh cho thấy, những người đã được tiêm nhắc lại vaccine phòng uốn ván hoặc bạch hầu ít bị dương tính với SARS-CoV-2.

Kết quả phân tích của Ngân hàng sinh học Biobank của Anh

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa vaccine phòng uốn ván và khả năng mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng. Những người đã được tiêm nhắc lại uốn ván giảm một nửa nguy cơ mắc COVID-19 nặng và những người đã được tiêm nhắc lại bệnh bạch hầu có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 54%.

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?