Bộ Y tế thông tin giải pháp thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vaccine tiêm chủng mở rộng
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện; cùng đó triển khai nhiều biện pháp đồng bộ...
Đây là thông tin được Bộ Y tế đưa ra trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vaccine, vật tư y tế... tại các bệnh viện.
Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm
Văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ký ban hành cho biết đã nhận được Công văn số 499/BDN của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó cử tri tỉnh Hà Nam có kiến nghị: "Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng và sức khỏe của người dân. Đề nghị có giải pháp khắc phục để đáp ứng nhu cầu của nhân dân".
Về nội dung cử tri và nhân quan tâm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian vừa qua, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (như Albumin, Globulin…); bên cạnh đó các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…).
Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn…) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Bộ Y tế cho biết đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như: Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024;
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế;
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; Phối hợp với các tổ chức quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để viện trợ một số loại thuốc rất hiếm;
Cùng đó, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng.
Việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Cơ sở pháp lý giúp các bệnh viện triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết ngày 27/2/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn, cụ thể như: Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp;
Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc;
Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá;
Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Theo Bộ Y tế, các Thông tư này giúp các bệnh viện và cơ sở y tế có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế.
Nỗ lực đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho tiêm chủng mở rộng
Về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21 triệu liều trên tổng số 25,5 triệu liều của 12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn thu mua, viện trợ; phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.
Ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024; căn cứ vào Kế hoạch này, các địa phương và đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ vaccine, tránh tình trạng gián đoạn.
Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng.
Thái Bình