Đã ghi nhận hơn 41.900 ca sốt xuất huyết, số mắc có thể tiếp tục tăng
Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tại nước ta đến thời điểm này đều giảm. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho hay, dịch bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng.
Ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội, TPHCM đều tăng
Theo báo cáo tổng hợp công tác dịch bệnh của Bộ Y tế cho thấy tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,2 lần, tử vong giảm 6 ca.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 12-19/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó).
Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông và huyện Phúc Thọ - mỗi nơi có 10 ca; huyện Quốc Oai có 6 ca; các quận, huyện Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thạch Thất - mỗi nơi có 5 ca.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.
Cụ thể, trong tuần 29 (từ ngày 15 - 21/7), Thành phố ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm Quận 1, TP Thủ Đức và Quận 7. Như vậy, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TPHCM là 4.599 ca.
Theo ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Hiện TPHCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.
Sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng
Liên quan đến sốt xuất huyết, tại hội nghị phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong khuôn khổ kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết hàng năm do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên toàn cầu tính đến đầu tháng 5/2024 có hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết được báo cáo, và hơn 3.000 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023...
Theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng và nguy cơ chung ở cấp độ toàn cầu vẫn được đánh giá là cao.
Tại công điện, Bộ Y tế cho hay, trên phạm vi cả nước, hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vaccine và sốt xuất huyết (đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm).
Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…
Trước diễn biến của ca sốt xuất huyết tăng, ngành y tế TPHCM đề nghị người dân chú ý các hoạt động như đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ, các dụng cụ chứa nước khác...). Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải. Ngủ màn, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...
Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý.
Còn Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao. Qua đó, nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.