Bộ Y tế đề xuất gói BHYT bổ sung
Bộ Y tế đang dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, có đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc...
Yêu cầu gì đặt ra với gói BHYT bổ sung?
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:
Thứ nhất, BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội. Mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng.
Theo ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, loại hình BHYT đang thực hiện là chính sách BHYT an sinh xã hội, bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.
"Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn"- ThS Trần Thị Trang thông tin.
Nhấn mạnh chính sách BHYT bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết 20, đảm bảo tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách, ThS Trần Thị Trang cho hay, gói BHYT bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.
Ông Nguyễn Trí Dũng - phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế thông tin, Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, có đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc.
Gói BHYT bổ sung sẽ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu hoặc dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu"- ông Dũng nhấn mạnh.
Về mức phí cho BHYT bổ sung, ông Dũng thông tin hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc.
BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ
TS Nguyễn Khánh Phương – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế nêu rõ, BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Theo phân tích của TS Khánh Phương, BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi. Hình thức này còn phát huy thế mạnh của công ty bảo hiểm thương mại về tiềm lực tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm, kinh nghiệm quản lý của các công ty đa quốc gia và quan trọng hơn nữa là góp phần làm đa dạng hóa các gói bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, tuy nhiên cần quy định rõ vai trò và mối liên hệ giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, đồng thời Luật pháp hóa các nguyên tắc quản lý nhà nước đối với liên kết, quy định chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước"- TS Khánh Phương nói
Đồng thời Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cũng nhấn mạnh thêm cần xây dựng và triển khai thí điểm Đề án liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, trong đó cũng cần chú trọng việc truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi có sự liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.
Thái Bình