Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Sửa đổi Luật BHYT để khắc phục các bất cập cấp bách
Sáng 25/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT. Điều này khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đa dạng hóa các gói BHYT và quy định liên kết với BHYT thương mại…
"Tuy nhiên, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật BHXH năm 2024 và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1/1/2025 nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.
Về quan điểm xây dựng Luật, người đứng đầu ngành y tế cho biết: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện KT-XH của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Đồng thời, khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan về BHYT mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về phạm vi điều chỉnh, bố cục, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.
3 nhóm nội dung lớn tại Dự thảo Luật
Về nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, có 3 nhóm nội dung lớn, bao gồm:
Thứ nhất, các quy định để thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật BHXH; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân…
Sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế xác định cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và phân bổ thẻ BHYT phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế về rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT; Bổ sung quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hằng năm để đồng bộ với Luật BHXH.
Thứ hai, các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; Quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Dự án Luật cũng cập nhật quy định về ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc BHYT hiện đang được quy định bằng văn bản hành chính để bảo đảm tính quy phạm, minh bạch, công khai; Quy định trường hợp mắc bệnh mạn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Bên cạnh đó là việc điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ BHYT để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ đầu năm (kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 90% lên 91%, chi phí quản lý tối đa giảm từ 5% còn là 4%), tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí...
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các nội dung mang tính chỉnh sửa kỹ thuật và một số nội dung cụ thể để tăng cường hiệu quả thực hiện Luật, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, các nội dung mang tính chất kỹ thuật, trách nhiệm, thời hạn trả thẻ BHYT để tránh tình trạng chậm cấp thẻ BHYT; sửa đổi một số cụm từ và bãi bỏ một số điểm, khoản cho phù hợp.
Quy định hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật. Trong đó, một số quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật có hiệu lực ngay từ 1/1/2025 để đồng bộ, cùng thời điểm có hiệu lực quy định cấp chuyên môn tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Các quy định khác có hiệu lực từ 1/1/2025 để có đủ thời gian xây dựng văn bản quy định chi tiết và chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện luật.
Lê Bảo