• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh hiểm nghèo, nặng, bệnh hiếm... sẽ không phải lo chuyển tuyến BHYT?

Không có quốc gia nào là không có cơ chế chuyển tuyến. Nếu như người bệnh cứ tự đi khám bệnh chữa bệnh ở tuyến trên thì tuyến trên sẽ quá tải. Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng...

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT , trước ý kiến của một số ĐBQH đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT, ĐBQH - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.

ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức phân tích: Cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng bệnh viện tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Nếu cứ như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, COVID-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.

Khẳng định một lần nữa, ĐBQH - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói: "Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm". Bởi, giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, trong giấy có tóm tắt bệnh án, có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.

 

Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì sẽ rất nguy hiểm!

Liên quan đến giấy chuyển tuyến, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế, chỉ ra thực tế chung là hầu hết các nước đều có quy định về đăng ký ban đầu và chuyển tuyến. Một số nước có hệ thống bác sĩ gia đình, còn đa số các nước có cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. 

Đây là nơi người bệnh đăng ký đầu tiên để quản lý sức khỏe, để đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Từ đó, nếu bệnh nặng hơn vượt quá khả năng của cơ sở tuyến dưới thì các nước đều chuyển người bệnh lên tuyến trên. Điều này giúp ổn định hệ thống, phân bổ hiệu quả nhất vấn đề điều trị cũng như để đảm bảo chất lượng phục vụ cho người bệnh. 

Bệnh hiểm nghèo, nặng, bệnh hiếm... sẽ không phải lo chuyển tuyến BHYT?- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế.

"Nếu như chúng ta cứ tự đi khám bệnh chữa bệnh ở tuyến trên thì tuyến trên sẽ quá tải. Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng vì điều trị không kịp thời do vấn đề quá tải. Họ cũng sẽ phải chờ đợi, xếp lịch mổ sẽ mất thời gian hơn vì năng lực của bác sĩ chỉ có hạn, cơ sở cũng chỉ có bằng đấy bác sĩ"- bà Trang phân tích. 

Theo bà Trang, thực trạng này sẽ vô tình làm giảm chất lượng điều trị do những nguy cơ tai biến rủi ro cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên thì người bệnh vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí xã hội, chi phí đi lại, làm tăng chi của quỹ BHYT. 

"Vì thế, không có quốc gia nào là không có cơ chế chuyển tuyến, vấn đề là trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT này, chúng ta giải quyết sao cho hợp lý" - bà Trang nhấn mạnh. 

Cụ thể, theo bà, những thủ tục phiền hà về mặt địa giới hành chính sẽ phải cải cách, còn những cái gì là yêu cầu chuyên môn chúng ta phải giữ lại để đảm bảo chất lượng, ổn định hệ thống cũng đảm bảo chính quyền lợi của người dân, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Trên cơ sở đó dự thảo luật cũng đã có những giải pháp cụ thể. 

Thứ nhất, các quy định liên quan đến đăng ký ban đầu đã được quy định rõ ràng về mặt tiêu chí, cấp nào thì được đăng ký ban đầu và tiêu chí phân bổ thẻ BHYT như thế nào. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó, Sở Y tế và BHXH tỉnh sẽ phân thẻ BHYT bảo đảm tiêu chí công bằng, khoa học và phù hợp thực tiễn. 

Thứ 2, khi người bệnh có thẻ đăng ký ban đầu nhưng là những trường hợp bệnh nặng, cấp cứu thì không phân biệt địa giới hành chính. Cụ thể, trong trường hợp cấp cứu người bệnh được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở trong toàn quốc. Khi đi công tác, thay đổi nơi tạm trú, người bệnh cũng được khám bệnh chữa ở cơ sở ngang cấp nhưng chúng ta không khuyến khích cái này. 

Ngoài ra, với một số bệnh như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh có kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới mà tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong thời điểm nhất định, thì người bệnh được phép lên cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn (cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu tuỳ theo năng lực). 

Bộ Y tế sẽ quy định danh mục các bệnh này, danh mục này không cố định mà được điều chỉnh tùy từng giai đoạn. Trường hợp này không cần giấy chuyển tuyến. 

Đề xuất bất cứ thời điểm nào người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến thì được cấp giấy chuyển tuyến

Thứ 3, với một số trường hợp chúng ta vẫn phải giữ giấy chuyển tuyến trong năm. Trước đây, trong năm cứ đến ngày 31/12, người bệnh phải đi lấy giấy chuyển tuyến của cả một năm. Nội dung này sẽ được điều chỉnh theo hướng bất cứ thời điểm nào người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến thì được cấp giấy chuyển tuyến mà không phụ thuộc vào năm tài chính, năm dương lịch. 

Như vậy khám bệnh thuận tiện hơn, thay vì trước đây phải xếp hàng vào ngày 31/12, gây quá tải tại một thời điểm. 

Thứ 4, ứng dụng công nghệ thông tin cải cách thủ tục hành chính. Chẳng hạn, sẽ thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử một cách thống nhất đồng bộ để giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại được tích hợp trên VNeID, như thế sẽ giảm thủ tục phiền hà. 

"Bộ Y tế cũng đang thí điểm triển khai sổ sức khỏe điện tử và sau này sẽ sử dụng chính thức khi có điều chỉnh và tiến tới làm hồ sơ bệnh án điện tử theo lộ trình từ ngày 1/1/2027. Như vậy, cũng sẽ tạo nhiều điều kiện cho người bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ. Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch để có thể liên thông các kết quả xét nghiệm ở các tuyến"- bà Trang nói.

Như vậy, tuyến dưới chỉ định chụp chiếu khi gửi bệnh nhân lên tuyến trên thì có cơ chế để công nhận kết quả xét nghiệm đó. Người dân không phải chụp chiếu lại, giảm thủ tục. Việc này cũng tiết kiệm được chi phí cho cả quỹ BHYT, người bệnh, tiết kiệm được thời gian công sức của tất cả các bên liên quan. 

Song song với đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng các nghị định, thông tư để tạo cơ chế nâng cao chất lượng ở tuyến dưới để người bệnh gắn bó với y tế cơ sở, không nhất thiết phải lên tuyến trên gây tốn kém, mất thời gian, vất vả. 

Bệnh hiểm nghèo, nặng, bệnh hiếm... sẽ không phải lo chuyển tuyến BHYT?- Ảnh 2.

Đề xuất bất cứ thời điểm nào người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến thì được cấp giấy chuyển tuyến.

Theo bà Trang, đây không phải trách nhiệm của riêng ngành y tế mà là của chung. Hiện nay, trung tâm y tế huyện đã được chuyển về cho UBND cấp huyện quản lý vì thế chính quyền địa phương cũng phải tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở về trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến dưới. 

Về chuyên môn Bộ Y tế cũng tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, luân phiên bác sĩ giỏi tuyến trên về tuyến dưới. 

"Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới tăng được năng lực cho y tế cơ sở và khi đó chúng ta mới thu hút được người dân về y tế cơ sở, hữu xạ tự nhiên hương. Định hướng của chúng ta là giảm tối đa những phiền hà, tăng thuận lợi cho người bệnh nhưng phải giữ sự ổn định hệ thống y tế để đảm bảo đáp ứng sẵn sàng chăm sóc người bệnh"- bà Trang nhấn mạnh.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?