• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn

Trong dịp Tết Giáp Thìn, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; Cùng đó, để bảo đảm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên Đán năm 2024, Bộ Y tế tập trung 6 nhiệm vụ...

Yêu cầu các đơn vị khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. 

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.

Yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

6 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn  - Ảnh 1.

Hàng chục nghìn cán bộ y tế đã gác lại Tết đoàn viên trọn vẹn bên gia đình để trực Tết, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân dịp Tết Giáp Thìn.

Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm

 Về công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) ban hành Công văn số 40/DP-DT đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, các bệnh nguy hiểm và mới nổi, không để xâm nhập vào Việt Nam, trong đó có COVID-19, đậu mùa khỉ. Giám sát chặt chẽ các bệnh lưu hành trong nước như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội đầu năm tại các địa phương.

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 cho thấy từ ngày 8/2 - 14/2/2024, ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh. Sốt xuất huyết được báo cáo trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.

Hiện có 5 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: Tiền Giang (11 ổ dịch), An Giang (09 ổ dịch), Tây Ninh (08 ổ dịch), Bến Tre (06 ổ dịch), TP. Hồ Chí Minh (03 ổ dịch).

Cũng trong khoảng thời gian này ghi nhận 225 trường hợp mắc tay chân miệng trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.

Từ ngày 8/2 - 14/02/2024 không ghi nhận ca mắc COVID-19, sởi, đậu mùa khỉ, cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), MERS-CoV.

Ghi nhận 01 trường hợp bệnh Dại trên người đã tử vong tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.

Tổ chức tốt cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân trong dịp Tết

Bộ Y tế đã có Công văn số 228/BYT-KCB chỉ đạo Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ và bệnh viện thuộc trường Đại học, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. 

Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

6 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn  - Ảnh 2.

Phiên chợ 0 đồng được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai cung cấp hàng trăm suất xôi nóng cho người bệnh, người nhà bệnh nhân sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn.

Tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh...

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc từ ngày 8/2 - 14/2 cho thấy các cơ sở tiếp nhận thăm khám, cấp cứu 416.932 người, tăng 33% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 151.550 người, tăng 4,3% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023;

 Tổng số ca phẫu thuật là 16.572 bệnh nhân; trong đó có 3.364 ca phẫu thuật cấp cứu, giảm 8% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023

Tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ tại bệnh viện: 16.624 ca, giảm 7,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 133.641 trường hợp, tăng 11,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Tổng số bệnh nhân ra viện là 119.366 trường hợp, tăng 5,9% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Bộ Y tế cũng đã thành lập 05 Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.

6 nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn

Bộ Y tế cho hay, quán triệt chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; bảo đảm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên Đán năm 2024, Bộ Y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tập trung xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm của Ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế.

Thứ hai, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng.

6 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn  - Ảnh 3.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên qua tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, cơ sở y tế, trong cộng đồng...

Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy và phòng, chống dịch bệnh.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân năm 2024.

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Tăng cường truyền thông các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các chính sách mới được ban hành.

Thứ sáu, tổ chức hiệu quả các hoạt động dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2024; tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác y tế.

Bài và ảnh Thái Bình


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?