Sàng lọc lao trong cộng đồng giúp kiểm soát hiệu quả bệnh lao
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lao sẽ góp phần đáng kể trong công tác điều trị, cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng
Hàng năm, Bệnh viện Phổi Hưng Yên đều đẩy mạnh việc khám sàng lọc lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng theo chiến lược 2X. Qua đó, chủ động phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao mới, góp phần hạn chế lây lan trong cộng đồng, hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Triển khai chiến lược khám sàng lọc lao tại cộng đồng:
BS CKII Đặng Tiến Quân – Giám đốc Bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết: Nhằm chủ động phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao mới, bên cạnh những giải pháp đã được triển khai, bệnh viện còn đẩy mạnh việc khám sàng lọc lao tại cộng đồng theo chiến lược 2X (sử dụng các thiết bị hiện đại gồm: Máy chụp X-quang di động, máy xét nghiệm Gene Xpert) để phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây.
Là một trong những đơn vị triển khai tốt công tác sàng lọc lao tại cộng đồng, Ông Trần Văn Minh, phụ trách tổ chống Lao thuộc Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ cho biết: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Bệnh viện Phổi Hưng Yên, TTYT huyện Tiên Lữ đã thực hiện được các xét nghiệm cần thiết cho người dân trên địa bàn, qua đó phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người dân bằng các biện pháp như: Khám sàng lọc lao tiềm ẩn, khám sàng lọc lao chủ động: Năm 2023 xét nghiệm được 574 người phát hiện được 73 người mắc lao các thể, trong đó có 01 ca mắc lao kháng thuốc; Năm 2024 xét nghiệm được 334 người, phát hiện 59 ca mắc lao các thể, trong đó có 02 ca mắc lao kháng thuốc và đưa vào điều trị.
Ông Minh cho biết thêm, đối với những bệnh nhân sau khi phát hiện lao, tổ chống lao huyện thực hiện tư vấn, lập hồ sơ điều trị trực tiếp tại địa phương, đối với những trường hợp phát hiện mắc lao ở các địa phương khác, tổ chống lao sẽ gửi trả kết quả xét nghiệm và hướng dẫn bệnh nhân về điều trị tại địa phương đó nhằm quản lý hiệu quả các trường hợp mắc bệnh.
Giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát bệnh lao:
Trong năm 2024, Bệnh viện Phổi Hưng Yên tổ chức khám sàng lọc lao và lao tiềm ẩn cho người dân một số huyện trên địa bàn tỉnh như: Kim Động, Ân Thi, thành phố Hưng Yên, Phù Cừ và Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện huyện Khoái Châu và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trong tổng số 9.900 người được được khám, thử phản ứng Mantoux và chụp X-quang, có 1.224 mẫu được chỉ định làm xét nghiệm Genxpert thì phát hiện 50 mẫu dương tính.
BS Đặng Tiến Quân cho biết, sàng lọc lao trong cộng đồng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện sớm, điều trị sớm và kiểm soát bệnh lao. Tuy nhiên, hiện nay công tác tầm soát, phát hiện lao các thể trên địa bàn tỉnh để đưa người bệnh điều trị, ngăn chặn nguồn lây vẫn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, tình hình bệnh Lao rất phức tạp, tình trạng đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc vẫn còn cao. Trao đổi về lợi ích của việc khám phát hiện bệnh lao chủ động ở cộng đồng, BS Quân chia sẻ: Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X (chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao). Bệnh nhân lao phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả điều trị bệnh sẽ cao hơn và không để lại di chứng nhiều.
Bệnh lao là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong trên thế giới và cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân tuân thủ đúng và đủ liệu trình điều trị. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao ở Việt Nam là trên 90% với những ca mắc mới và trên 70% với những trường hợp lao kháng thuốc.
Bác sĩ Quân khuyến cáo: Nếu có triệu chứng nghi lao (ho kéo dài, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm, đau ngực… ), bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chụp X-quang phổi để kiểm tra xem phổi có bị tổn thương hay không. Nếu không may mắc bệnh lao, bệnh nhân cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị do nhân viên y tế hướng dẫn, phải tuân thủ 3 chữ “Đ” có nghĩa: đúng, đủ, đều (Đúng phác đồ, đủ thời gian và đều đặn uống, không bỏ thuốc). Bệnh lao nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng và đủ theo phác đồ sẽ dễ để lại các di chứng, làm giảm chức năng hô hấp, bệnh tim - phổi mạn tính, thậm chí có thể tử vong. Người mắc lao không được phát hiện kịp thời có thể lây lan cho nhiều người khác. Do đó, phát hiện sớm bệnh lao là điều hết sức quan trọng.
Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn nhất định như: Nhiều người dân hiểu biết không đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh lao trong cộng đồng, nguồn nhân lực ở các tổ chống lao tại cơ sở còn thiếu, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi chuyên trách, địa bàn rộng, dân cư di biến động làm ảnh hưởng công tác quản lý, … do đó rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ban, ngành đoàn thể để người dân có nhận thức đúng, đủ về bệnh lao, chủ động đi khám nếu có dấu hiệu, để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, từ đó giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.