Quản lý thai sản giúp giảm tai biến sản khoa
Mang thai là thời kỳ người phụ nữ cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Việc quản lý thai sản trước, trong và sau sinh có vai trò quan trọng trong bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho cả mẹ và con, giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong sơ sinh và tử vong mẹ.
Quản lý thai sản thực chất là một chuỗi hoạt động nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu từ khi mang thai và chăm sóc cho cả mẹ lẫn con an toàn trong quá trình mang thai đến khi sinh. Trong quá trình mang thai, nếu các mẹ bầu có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình phát triển của thai nhi, cũng như tình trạng sức khỏe của bà mẹ, cũng nhờ đó bác sĩ có thể tiên lượng tình trạng thai kỳ và định hướng cho bà mẹ chuẩn bị tốt cho việc sinh đẻ, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ.
Theo bác sĩ Lê Mạnh Hà, trưởng khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản như: Hỏi, khám sản khoa, thử nước tiểu, xét nghiệm máu, tiêm chủng phòng ngừa bệnh, siêu âm thai… Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được việc đi đăng ký quản lý thai sớm trong ba tháng đầu là rất quan trọng. Thực tế, có một số phụ nữ mang thai ít đi khám thai, chỉ đi khám khi thấy có dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện khi có cơn chuyển dạ. Điều này rất nguy hiểm, việc xử trí các bệnh lý của sản phụ và bác sỹ sẽ khó tiên lượng tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.
Nhiều năm về trước, việc quản lý thai sản của người mẹ chưa được người dân quan tâm, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của thai phụ cũng như chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai còn chiếm tỉ lệ cao, tỉ lệ trẻ có mức cân nặng đạt tiêu chuẩn khi sinh ra còn thấp, tỉ lệ phụ nữ mang thai và sinh đẻ sớm vẫn còn nhiều. Trong trường hợp người phụ nữ sinh nhiều con mà khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, quá trình mang thai chỉ lên cân được từ 5-6 kg thì khả năng trẻ sinh ra chậm phát triển về chiều cao cũng như trọng lượng cân nặng là điều không thể tránh khỏi.
Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai thực hiện một cách phổ biến, đồng bộ, rộng rãi có hiệu quả nên tình trạng tồn tạinhư trước đây đã được cải thiện, khắc phục. Tại tỉnh Hưng Yên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2022, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai sản đạt 99,8%%; Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ≥ 3 lần trong 3 thời kỳ đạt 99,2% ; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 100%; Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà đạt 99,8%...
Chị Phạm Thị Nhàn, Đức Thắng - Tiên Lữ - Hưng Yên chia sẻ: “Mình hiện đang mang thai bé thứ 2, mình thấy việc đi thăm khám trong thời kỳ mang thai là hết sức quan trọng bởi bản thân mình sẽ không hề biết được những vấn đề phát sinh, nếu đợi có dấu hiệu nguy hiểm mới đến các cơ sở y tế để thăm khám, đôi khi đã quá muộn. Được bác sĩ tư vấn nên mình đều đi kiểm tra đúng các mốc khám thai quan trọng, làm các xét nghiệm cơ bản để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thời kỳ thai sản”.
Để tiếp tục duy trì bền vững kết quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về CSSKSS, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và trẻ em, thời gian qua, ngành y tế vẫn tăng cường công tác khám và quản lý thai sản theo quy định của “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, chú trọng tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám, quản lý thai sản 3 tháng đầu của thai kỳ, thông qua nâng cao chất lượng kỹ thuật của tuyến cơ sở: áp dụng siêu âm chẩn đoán, theo dõi thai sản, các xét nghiệm…, tăng cường hoạt động truyền thông cộng đồng của mạng lưới y tế thôn; Thực hiện chăm sóc thiết yếu toàn diện; Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Xử trí và lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh ( IMCI) và chuẩn hóa kỹ năng chăm sóc thiết yếu trong và sau đẻ tại các tuyến; chăm sóc dinh dưỡng trong thời kỳ thai nghén, khám thai và quản lý thai;…
Thời gian tới, ngành y tế Hưng Yên tiếp tục tăng cường công tác tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tư vấn sàng lọc trước sinh cho các cặp vợ chồng, các bà mẹ mang thai để phòng ngừa và phát hiện sớm các dị tật, bệnh lý ở thai nhi để có các giải pháp can thiệp kịp thời; Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, điều trị sơ sinh của Đơn nguyên sơ sinh; bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đa dạng hoá các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về lĩnh vực CSSKSS, trong đó chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe trước sinh, chương trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ,…và đẩy mạnh các mô hình truyền thông với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng.