Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại
Hiện nay bệnh dại trên người đã và đang là một bệnh có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Ngày 15/11/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành văn bản số 2295/VSDTTW-BTN về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng số ca tử vong của cả nước là 75 ca xảy ra tại 30 tỉnh/thành phố, số người điều trị dự phòng bệnh dại cũng đã lên tới gần 500.000 người, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng đó, để tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại trên người tại các địa phương, Chương trình quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên người - Bộ Y tế đề nghị Y tế các tỉnh/thành phố chú trọng thực hiện các nội dung sau:
Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ: Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin và huyết thanh kháng dại; Rà soát, kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm chủng phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm; Đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách mua vắc xin Dại cho người; chính sách hỗ trợ giá/tiêm phòng miễn phí cho nhân viên thú y, nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch bệnh Dại, điều trị, chăm sóc trong trường hợp rủi ro nghề nghiệp,…
Chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống.
Nâng cao năng lực hệ thống phòng chống bệnh Dại trên người thông qua tập huấn kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin Dại cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại, xử lý ổ dịch; phối hợp liên ngành y tế, thú y trong việc giám sát lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh Dại.
Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người theo Quyết định 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người; chủ động đề nghị cơ quan Thú y cung cấp tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm trên động vật cắn người để xét nghiệm vi rút Dại nếu kết quả âm tính có thể dừng việc tiêm vắc xin phòng Dại trên người.
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập quỹ dự trữ vắc xin và huyết thanh kháng dại đề phòng tình trạng khan hiếm và đáp ứng khi có dịch.
Chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế huyện, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn thực hiện các khuyến cáo trên,…