• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người “lính” âm thầm làm công tác xét nghiệm trong cuộc chiến chống Covid - 19

Dịch Covid – 19 vẫn đang hoành hành, số ca nhiễm, số người tử vong vẫn đang tăng lên hàng ngày. Phía sau những con số ấy là cuộc đua thầm lặng, dũng cảm của đội ngũ nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm, lấy mẫu bệnh phẩm với hi vọng hạn chế thấp nhất khả năng lây nhiễm tại cộng đồng.

Tích lũy đến ngày 26/3, Hưng Yên đã tiến hành lấy 410 mẫu bệnh phẩm gửi lên Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đó 225 mẫu lấy tập trung tại điểm cách ly tập trung của tỉnh, 185 mẫu được lấy tại các cơ sở y tế, điều đó đồng nghĩa với việc mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao.

BS.CKI Đỗ Thị Hương Giang – Trưởng khoa xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ:“ 19 năm làm bác sĩ trong hệ thống phòng dịch nhưng chưa bao giờ tôi thấy trận chiến nào lại tiêu hao tài sản và sức lực như trận chiến chống Covid -19, từ Tết đến giờ hiếm khi có bữa cơm mà vợ chồng con cái được ngồi cùng nhau, 2 vợ chồng không có thời gian để trò chuyện bởi từ ngày có dịch, khối lượng công việc của nhân viên làm công tác lấy mẫu bệnh phẩm tăng lên, bình thường khoảng 5h chiều là tan làm, nhưng bây giờ 8h – 9h tối mới được về, có hôm muộn hơn, không biết đến ngày nghỉ là gì, thậm chí có những hôm đi lấy mẫu bệnh phẩm, không để ý thời gian, tận hơn 1h mới chạy đi mua cơm bụi ăn với nhau xong lại vào tiếp tục làm việc”. Chia sẻ với chúng tôi về những kỉ niệm đáng nhớ trong mỗi lần lấy mẫu dịch phẩm, chị Giang nói: “có những người tâm lý không vững, khi lấy mẫu máu xong, họ tái mét mặt rồi ngất luôn, ngoài ra có những người bị kích ứng hầu họng mặc dù đã được chúng tôi hướng dẫn nhưng họ vẫn không hợp tác được cho nên mất rất nhiều thời gian mới lấy được mẫu dịch,…những lúc như vậy chúng tôi càng phải nhẫn nại, không được lơ là , cố gắng động viên các bạn ấy và hoàn thành công việc hiệu quả, nhanh nhất có thể.”

Điều đáng ghi nhận là các nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm không ai than phiền, nhiều khi phân công, có người còn xung phong đảm nhận để làm sao cho công việc hiệu quả nhất. Ai cũng ý thức được dịch Covid – 19 thật sự rất nguy hiểm và đây là lúc họ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Chị Quách Thị Hường – Cử nhân xét nghiệm, Khoa xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “ Các đối tượng vào khu cách ly đều chưa biết họ âm tính hay dương tính với Covid – 19 nên việc tiếp xúc, lấy mẫu bệnh phẩm thực sự rất đáng lo ngại. Chúng tôi hiểu được công việc của mình nên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên khó khăn chúng tôi gặp phải cũng không ít như: việc mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang, gang tay trong suốt một thời gian dài làm cho chúng tôi thấy khó chịu, vào những hôm thời tiết nắng nóng mồ hôi chảy ròng ròng, ướt hết cả quần áo, áp lực nhiều nhất là cao điểm có hôm chúng tôi phải lấy 80 mẫu dịch phẩm hầu họng và máu, xong lại theo xe ô tô mấy tiếng đồng hồ vận chuyển mẫu bệnh phẩm lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm xét nghiệm, không chỉ dừng lại ở đó, những ngày đầu khi biết chúng tôi làm công tác lấy mẫu bệnh phẩm cho những người nghi nhiễm Covid – 19, nhiều người xung quanh tỏ ra tránh né, thậm chí bình thường không theo khẩu trang nhưng cứ thấy tôi là đeo khẩu trang,… song ngay từ khi bước chân vào “cuộc chiến chống dịch Covid – 19”, tôi và các đồng nghiệp đã xác định đây là cuộc chiến có thể kéo dài, nhiều khó khăn, nguy hiểm, chưa biết bao giớ mới kết thúc nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với người bệnh và cả cộng đồng”.

Không chỉ có những kỹ thuật viên xét nghiệm ở tuyến tỉnh gặp phải khó khăn, vất vả mà cả những kỹ thuật viên xét nghiệm tuyến huyện cũng bị cuốn vào guồng quay của dịch Covid – 19. Kỹ thuật viên xét nghiệm Phạm Thị Thu Hương – khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ tâm sự: “Mình làm trong ngành y, đặc biệt lại làm công tác lấy mẫu dịch phẩm cho những đối tượng nghi nhiễm Covid – 19 nên có thể hiểu được mức độ nguy hiểm, tỷ lệ lây nhiễm cao thế nào, bản thân mình thấy rất lo lắng, thậm chí là căng thẳng mỗi khi tiếp xúc gần với những ca nghi nhiễm, nhưng đa phần họ đều hợp tác tốt nên mình cũng an tâm hơn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như họ nhất định yêu cầu xét nghiệm dịch tễ mặc dù không có tiền sử dịch tễ, họ bức xúc, thậm chí to tiếng với nhân viên y tế khi không được đáp ứng, khi đó chúng tôi phải giải thích, cố gắng thuyết phục cho họ hiểu. Ngoài ra, bản thân mình cũng ý thức được khả năng lây nhiễm của dịch bệnh cho nên con cái đều mang về quê gửi ông bà chăm nom, tôi cũng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh phòng ngừa trường hợp mình bị lây nhiễm… nhưng sau tất cả, vui mừng nhất là kết quả gửi về âm tính”.

Số lượng người nhập cảnh về Việt Nam càng nhiều đồng nghĩa với việc các đơn vị dốc sức càng nhiều hơn, tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, đặc biệt khi Hưng Yên đã thành lập 02 khu cách ly: Trường Quân sự tỉnh tại huyện Ân Thi và Trường Hải Quan Việt Nam tại huyện Yên Mỹ để tiếp nhận những đối tượng cần giám sát, cách ly thì những người làm công tác xét nghiệm càng vất vả hơn, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn. Vì cộng đồng, họ - những người hi sinh thầm lặng sẽ không bao giờ đầu hàng, luôn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bất kỳ lúc nào và cố gắng hoàn thành tốt nhất vì sức khỏe của cả cộng đồng.


Tác giả: CDC Hưng Yên
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?