• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những loại thuốc, dụng cụ y tế cho trẻ cần trang bị trong nhà

Mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị tủ thuốc dự phòng với các danh mục sản phẩm như thuốc hạ sốt, ho, chống dị ứng… là những loại thuốc gia đình cần trang bị bởi trẻ thường xuyên ốm, sốt trong những năm tháng đầu đời. Phụ huynh cần thiết xây dựng tủ thuốc gia đình dễ sử dụng, an toàn dựa trên nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp.

Thuốc giảm đau và hạ sốt

Paracetamol: Đây là thuốc không kê đơn phổ biến, thuốc ưu tiên trong hạ sốt, giảm đau vì có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Bố mẹ có thể chọn mua loại paracetamol dành riêng cho trẻ em hàm lượng 80 mg, 150 mg và 250 mg dạng gói hoặc đặt hậu môn. Riêng thuốc đặt hậu môn phải bảo quản lạnh, không để chung trong tủ thuốc gia đình.

Phụ huynh cũng cần lưu ý chỉ dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, không sử dụng được hạ sốt bằng đường uống. Liều dùng 10-15mg/kg/lần, 3-4 lần một ngày. Dạng 80 mg dùng cho trẻ từ 4-6 kg, tức là trẻ từ 1-5 tháng tuổi. Dạng 150 mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7-12 kg, tức là từ 6 tháng đến 1 tuổi. Dạng 250 mg dùng cho trẻ từ 13-24 kg, tức là trẻ từ 2-9 tuổi. Khi sử dụng thuốc hạ sốt, các lần dùng nên cách nhau khoảng 4-6 giờ (nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc).

Gia đình tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi vì có liên quan đến hội chứng Reye, một rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng tới não và gan và có thể dẫn đến tử vong cho trẻ.

Thuốc ho

Các thuốc siro thảo dược là loại an toàn cho trẻ em. Ngoài ra có một số thuốc chuyên biệt như thuốc giãn phế quản dạng bình xịt dành cho bé bị hen suyễn khi lên cơn.

Thuốc chống dị ứng

Những thuốc chống dị ứng thường dùng giúp trẻ chống lại phản ứng dị ứng nhẹ làm giảm triệu chứng của viêm mũi dị, cảm cúm, ngứa, nổi mề đay. Một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi nếu không có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa.

Thuốc đau bụng, nôn, tiêu chảy, đầy hơi

Gia đình trang bị thuốc dùng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ói mửa, đầy hơi. Hydrite hay Oresol giúp bù nước điện giải khi bị bệnh tiêu chảy.

Thuốc bôi ngoài da

Kem dưỡng da hoặc kem bôi da tại chỗ giúp chữa trị vết thương do côn trùng cắn và phát ban. Thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hay thoa hậu môn bị nứt hoặc bôi làm trơn hậu môn trước khi đi tiêu ở trẻ bị táo bón.

Thuốc sát trùng

Trong tủ thuốc gia đình nên có lọ thuốc sát trùng thông dụng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Cồn 70 độ hay 90 độ thường dùng để sát trùng tay trước khi thao tác.

Nước muối sinh lý

Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ mắt, mũi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đơn giản là làm sạch mắt, mũi của bé.

Ống hút mũi

Ống hút mũi rất cần thiết cho gia đình có trẻ nhỏ giúp hút chất nhầy ra khỏi mũi bị nghẹt.

Dụng cụ đo lường

Xylanh, cốc, thìa dùng để đo liều lượng thuốc, giúp trẻ uống thuốc đủ và đúng cách.

Bông, băng, gạc y tế

Tủ thuốc cần có sẵn bông, băng dán cá nhân, băng gạc và băng dính để cầm máu, lau chùi và băng bó vết thương. Gia đình trang bị kéo và kẹp bằng inox để cắt, thực hiện các thao tác chăm sóc.

Nhiệt kế

Trong tủ thuốc cần có một nhiệt kế điện tử để theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ. Phụ huynh cần đưa bé đi khám với bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C.

Một số lưu ý khi xây dựng tủ thuốc gia đình

Phụ huynh dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ. Sau một ngày nếu không đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Trẻ em không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho bé dùng.

Đối với tủ thuốc gia đình, nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ. Hàng năm, phụ huynh cần tiến hành rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những sản phẩm hết hạn. Ngoài ra, phụ huynh nên dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quy.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?