Sử dụng vắc xin sốt vàng
Thực hiện Công văn số 934/DP-TC ngày 16/08/2022 của Cục Y tế dự phòng, ngày 18/08/2022, Sở Y tế có Công văn số 1622/SYT-NV về việc sử dụng vắc xin sốt vàng.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, xác định như cầu vắc xin sốt vàng trên địa bàn, chủ động thực hiện cung ứng, tổ chức tiêm chủng vắc xin sốt vàng cho người dân có như cầu và hỗ trợ người dân đăng ký, tham gia tiêm chủng kịp thời theo quy định.
Được biết, Bệnh sốt vàng là bệnh nhóm A (nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm) do vi rút thuộc họ Flaviviridae gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu do muỗi Aedes aegypti bị nhiễm vi rút đốt. Đây cũng là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
Vi rút sốt vàng được tìm thấy ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới tại Nam Mỹ và Châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới ước tính có từ 84.000 - 170.000 trường hợp mắc và 60.000 người tử vong do sốt vàng da. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh sốt vàng da đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, trong đó khoảng 90% trường hợp mắc được báo cáo tại sa mạc Sahara.
Sốt vàng có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin. Vắc-xin bệnh sốt vàng là vắc-xin sống giảm độc lực, được khuyến khích đối với người từ 9 tháng tuổi trở lên đi đến hoặc sinh sống tại các khu vực có nguy cơ truyền vi rút sốt vàng ở Nam Mỹ và châu Phi. Đối với hầu hết những người đi đến vùng có nguy cơ truyền vi rút sốt vàng, một liều vắc-xin sốt vàng tạo được miễn dịch lâu dài và tiêm liều nhắc lại là không cần thiết. Tuy nhiên, một số người có thể yêu cầu một liều nhắc lại và một số quốc gia có thể yêu cầu tiêm nhắc lại.