Hưởng ứng ngày Quốc tế cao tuổi 1/10
Ngày 1/10 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Người cao tuổi (IDOP) nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức chăm sóc người cao tuổi.
Năm 1982, Đại hội thế giới về Tuổi già lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc tổ chức tại Áo với hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.
Đại hội đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khỏe và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp của người cao tuổi đối với xã hội và là trọng tâm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.
Từ khi Liên Hợp Quốc lấy hàng 1/10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi, Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực. Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi); ngày 25/4/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam"; Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam… Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta ngày càng được nâng lên (năm 2021, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,6 tuổi), là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người cao tuổi. Đồng thời, hiện nay người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có người cao tuổi còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước; người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn… Vì vậy, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay với chủ đề " Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi”. Chủ đề này đóng vai trò là dấu ấn và lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ lớn tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội.
Ngày 29/8/2022 Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ban hành Công văn số 516/TCDS-TTGD về việc hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái. Trong đó, quy định các khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10) cụ thể như sau:
Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng ngày quốc tế người cao tuổi
Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - chủ động thích ứng với già hóa dân số.
Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Gia đình và xã hội hãy quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng để người cao tuổi có cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.
Người cao tuổi cần vận động, sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.
Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.