• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưng Yên: Một trong 10 địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước

Hiện tỉnh ta nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước với 119 bé trai/100 bé gái (6 tháng đầu năm 2023). Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số, gây ra tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội.

Chị Nguyễn Thị H, ở xã Yên Phú (Yên Mỹ) vì muốn sinh con trai đã trải qua không ít khó khăn và tốn kém về tiền của. Chị H. cho biết: Chồng tôi là con trai trưởng trong gia đình, vợ chồng tôi đã có một cháu gái đầu lòng nên muốn sinh thêm một con trai. Tôi đã âm thầm tìm hiểu về kinh nghiệm để sinh được con trai của một số phụ nữ và tại phòng khám tư nhân để áp dụng. Suốt thời gian đó, vợ chồng tôi bị áp lực làm sao để sinh được con trai. Do không được phép lựa chọn giới tính thai nhi cho nên mọi việc liên quan đến “hành trình đi tìm quý tử” của tôi đều phải làm lén lút. Sau gần nửa năm với bao lần đi siêu âm, uống các loại thuốc can thiệp và áp dụng các chế độ, ăn uống sinh hoạt, tôi cũng mang bầu. Vợ chồng tôi đều xác định khi siêu âm, nếu là con trai thì sẽ để lại sinh, còn nếu là con gái sẽ phá bỏ cái thai này…

Những năm qua, dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhưng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn ở mức cao so với trung bình cả nước và so với tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên 103 - 107 bé trai/100 bé gái. Từ năm 2015 đến hết năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh đều ở mức từ 118 đến 120 bé trai/100 bé gái; năm 2021 là 119,8 bé trai/100 bé gái, đến 6 tháng đầu năm 2013, tỷ số này vẫn duy trì ở mức 119 bé trai/100 bé gái. Tình trạng MCBGTKS diễn ra ở cả 10 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh, xảy ra ngay từ lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Nhiều địa phương tình trạng MCBGTKS ở mức rất báo động như: Huyện Văn Lâm là 132 bé trai/100 bé gái; thành phố Hưng Yên là 130 bé trai/100 bé gái…

Đồng chí Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: "Tỷ số giới tính khi sinh ở Hưng Yên đã khống chế được tốc độ nhưng có dấu hiệu không ổn định và Hưng Yên vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất trong cả nước. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng MCBGTKS là quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân; việc quản lý, xử phạt các cơ sở khám, chữa bệnh, siêu âm, nạo phá thai liên quan đến giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn; chưa có các chính sách hỗ trợ gia đình thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, gia đình sinh con một bề là gái..."

Hậu quả của tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam được Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Dự báo nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì như ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam sẽ “thừa” khoảng 1,38 triệu đàn ông vào năm 2026 và tăng lên 2,3 triệu đàn ông vào năm 2050. Trong tương lai không xa, tỉnh cũng phải đối mặt với vấn đề thừa nam giới, vì từ nhiều năm nay, tỉnh ta luôn là một trong những tỉnh nhiều năm liên tục có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao. Bên cạnh đó, MCBGTKS còn ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội như gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ, mại dâm trẻ em; gia tăng tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, bất bình đẳng giới… Sự mất cân bằng giới tính còn làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, làm thiếu hụt lao động trong những ngành nghề cần nhiều lao động nữ.

Để kiểm soát tình trạng MCBGTKS, đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh về mức cân bằng tự nhiên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 đến 100% các địa phương trong tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với các nội dung về thực trạng, phương pháp giảm thiểu MCBGTKS, hệ lụy MCBGTKS, tuyên truyền nghiêm cấm việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi; giáo dục về giới, bình đẳng giới... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành vi của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng đối với việc giảm thiểu MCBGTKS. Cùng với đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân số và cộng tác viên dân số nhằm nâng cao kỹ năng, cách thức truyền thông về MCBGTKS; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi đối với các cơ sở y tế.

Nhằm giảm thiểu những hệ lụy của MCBGTKS, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, thực hiện quyết liệt, kiên trì, từng bước dần xóa bỏ quan niệm phải có con trai “nối dõi tông đường” của một bộ phận người dân.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?