Đái tháo đường và lao phổi: Mối liên quan nguy hiểm
Lao là một bệnh truyền nhiễm, còn đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính không lây nhiễm. Đây là hai loại bệnh khác nhau nhưng lại có liên quan tới nhau: ĐTĐ là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển.
Vì sao người bệnh ĐTĐ dễ mắc lao phổi?
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường (ĐTĐ) trên toàn thế giới chiếm từ 0,24% đến 5,15% dân số, đến năm 2025 sẽ có khoảng 330 triệu người. Dự báo trong 20 năm 2010-2030 tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54%. Ở Việt Nam chỉ trong 10 năm vừa qua đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%. Bệnh ĐTĐ ở giai đoạn muộn gây ra các rối loạn chất đạm, chất mỡ và các chất điện giải. Đặc biệt, bệnh ĐTĐ thường gây nhiễm khuẩn phổi - phế quản, lao phổi. Hai bệnh ĐTĐ và lao phổi thường là người “bạn đồng hành” với nhau như bóng với hình như HIV/AIDS với lao phổi. Người mắc ĐTĐ thường mắc lao phổi, nhưng ngược lại người mắc lao phổi không phải đều mắc ĐTĐ.
Nguyên nhân ĐTĐ mắc lao phổi nói riêng và các bệnh nhiễm khuẩn nói chung là do cơ thể bị suy giảm miễn dịch làm cho sức đề kháng giảm sút, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển. Người bệnh phát hiện lao phổi phần lớn sau 5 năm mắc ĐTĐ, gần 2/3 trường hợp ĐTĐ phát hiện trước lao phổi.
Các dấu hiệu lâm sàng khởi phát của bệnh ĐTĐ/lao phổi không khác với lao phổi đơn thuần: Khởi phát cấp tính, bán cấp và không triệu chứng, phát hiện do tình cờ. Phổ biến là các dấu hiệu bán cấp: Sốt nhẹ về buổi chiều, gây sút cân, ho…
Tuy nhiên có một số điểm đặc biệt.
Xét nghiệm đờm soi trực tiếp tìm vi khuẩn gây bệnh phổi, khoảng 70% ở giai đoạn toàn phát.
Hình ảnh Xquang tổn thương phổi khác với lao phổi đơn thuần: Tổn thương thường đối xứng hai bên, thể bệnh lao thâm nhiễm phổ biến. Vị trí thường ở vùng rốn phổi, đáy phổi (lao phổi đơn thuần hay gặp ở vùng đỉnh và dưới đòn).
Bệnh nhân đái tháo đường phải kiểm soát đường huyết để tránh thúc đẩy mắc lao phổi tiến triển
Những lưu ý trong điều trị
Về điều trị lao phổi/ĐTĐ gặp một số khó khăn vì vừa phải điều trị cả bệnh ĐTĐ vừa phải điều trị lao phổi. Chức năng gan của người bệnh ĐTĐ đã yếu, khi sử dụng các thuốc điều trị lao lại độc với gan. Bản thân các thuốc chữa ĐTĐ như sulfonyl urae, metformin, acarbose… cũng độc với gan, do đó không tránh khỏi tai biến do thuốc gây ra. Vì vậy, đối với bệnh nhân lao phổi/ĐTĐ thì điều trị phải xong hành cả hai bệnh, đồng thời phải theo dõi thường xuyên chức năng gan. Mục tiêu là phải kiểm soát đường huyết lúc đói dưới 126mg% và HbA1C dưới 7%. Để đạt được những yêu cầu trên bác sĩ điều trị nên cân nhắc điều trị bằng insulin sớm cho bệnh nhân nhằm đạt được hiệu quả giảm các tác dụng phụ của thuốc và giảm biến chứng của bệnh ĐTĐ. Chế độ ăn uống của người bệnh ĐTĐ cần phải kiêng khem, ngược lại với lao phổi lại cần phải bồi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể… Kết quả điều trị thất bại và tái phát cũng cao hơn điều trị lao phổi đơn thuần.
Bệnh ĐTĐ là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển. Vì thế cần kiểm tra đường huyết cho những bệnh nhân bị lao phổi và những bệnh nhân bị đáo tháo đường. Cần chụp Xquang phổi 6 tháng một lần nếu có nghi ngờ thì xét nghiệm đờm tìm vi trùng lao để phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ đạt hiệu quả cao. Cần phải điều trị lao tích cực, đúng phác đồ, phối hợp với điều trị ĐTĐ. Do đó cần phối hợp 3 chuyên khoa cùng điều trị: Chuyên khoa lao phổi, chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa dinh dưỡng. Khi có các biến chứng phải phối hợp với chuyên khoa khác như: Tim mạch, thần kinh, mắt… mới đạt hiệu quả.
Đỗ Huế. Theo suckhoe&doisong